1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những công dụng bất ngờ của nước mía với sức khỏe

Hà An

(Dân trí) - Mía không những có vị ngọt dễ chịu hợp với khẩu vị mọi người mà còn cung cấp cho cơ thể năng lượng và những chất dinh dưỡng cần thiết.

Mía là một thức ăn mát, ngọt và bổ được nhiều người ưa thích. Về giá trị dinh dưỡng, các nghiên cứu đã cho thấy, trong thân cây mía ngoài thành phần cơ bản là các loại đường chiếm khoảng 70%, còn có các chất đạm, chất béo, chất bột, nhiều loại chất khoáng, các vitamin và khoảng gần 30 loại axit hữu cơ. 

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nước mía chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe như vitamin C, vitamin B1, kali, canxi, photpho, phenolic, flavonoid… Ngoài ra, nước ép từ mía không chứa chất béo, hỗ trợ củng cố hệ tiêu hóa cho trẻ.

Những công dụng bất ngờ của nước mía với sức khỏe - 1

Nước mía mang lại nhiều công dụng cho sức khỏe (Ảnh minh họa: Juicernet).

Một khẩu phần (28,35g) nước mía cung cấp 113,43 calo, 0,2g chất đạm, 0,66g chất béo, 25,4g carbohydrate. Mía có nhiều vitamin và khoáng chất hơn đường tinh luyện, bao gồm một lượng nhỏ sắt, magie, vitamin B1, riboflavin. 

Nước mía giúp bù nước, giải khát và tăng cường năng lượng ngay tức thì. Loại đồ uống này cũng rất giàu carbohydrate, protein, sắt, kali và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác nên nó là thức uống năng lượng lý tưởng. Đặc biệt là trong những tháng hè, một ly nước mía mát lạnh thực sự làm sống lại cả sức khỏe lẫn mức độ cạn kiệt năng lượng của bạn. Nó tích tụ chất lỏng trong cơ thể, giúp chống lại tình trạng khô và mệt mỏi.

Một trong những lợi ích sức khỏe quan trọng nhất của nước mía đó là lợi tiểu, có nghĩa là nó giúp điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận và đảm bảo chức năng của thận. 

Mía có đặc tính lợi tiểu có thể giúp loại bỏ muối và nước dư thừa để giúp thận hoạt động tốt. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống nước mía với chanh và nước dừa có thể làm giảm cảm giác nóng rát do nhiều loại vấn đề về đường tiết niệu gây ra.

Không chỉ vậy nước mía còn tăng cường men răng và làm chắc xương khớp cho trẻ. Lý do vì nước mía cực kỳ giàu khoáng chất giúp ngăn ngừa sâu răng và hôi miệng.

Ngoài giá trị ăn uống, mía còn là một vị thuốc tốt được nhân dân ta dùng từ lâu đời. Theo Đông y, nước mía vị ngọt mát, tình bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, giải độc, tiêu đờm, chống nôn mửa, chữa sốt, tiểu tiện nước tiểu đỏ và rất bổ dưỡng. Vì thế, nó được dùng để chữa nhiều bệnh. 

Lấy mía ép hoặc giã lấy nước nấu cháo ăn có tác dụng chữa ho nhiệt, sổ mũi, miệng khô. Uống nước mía hoặc nhai mía nuốt nước cũng giúp giải say rượu. 

Để chữa cơ thể suy nhược, ăn ngủ kém, có thể lấy nửa lít nước mía và 2 quả trứng gà tươi, đun sôi nước mía, đập trứng vào, nhấc xuống, đậy kín nắp, ăn nóng. Nếu chân tay lạnh, thêm lát gừng sống giã nát cho vào nước mía khi sôi.

Cần lưu ý vấn đề an toàn thực phẩm 

Mùa hè nóng bức, nhu cầu giải khát cao, những hàng nước mía vỉa hè thường rất đông khách. Ưu điểm của nước mía vỉa hè là giá rẻ nhưng nguy cơ tiềm ẩn của nó rất lớn.

Nước mía có nhiều đường nên là môi trường lý tưởng của các loại vi khuẩn phát triển, nhất là trong hoàn cảnh thiếu vệ sinh như quán bán nước vỉa hè. Ruồi nhặng cũng rất thích của ngọt nên những cửa hàng này thu hút chúng bay đến nhiều. 

Tình hình vệ sinh của những quán nước mía vỉa hè thường rất kém. Mía sạch để lẫn lộn với mía bẩn, mía được ngâm nước lã để tăng lượng nước, ruồi nhặng bâu vào những khúc mía đã róc sẵn chờ ép cho khách, bâu cả vào cốc đựng nước mía, máy ép nước mía…

Tất cả những điều không đảm bảo vệ sinh trên là nguyên nhân dẫn đến những vụ ngộ độc cho người uống.