1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những “chiến sĩ” thầm lặng trong các cuộc mổ

(Dân trí) - Khi vào viện hay ra viện, người bệnh đều biết bác sĩ đã mổ cho mình là ai. Có người cả đời mang ơn bác sĩ mổ cho mình. Thế nhưng, đằng sau những ca mổ ấy luôn có sự tận tâm của bác sĩ gây mê hồi sức.

Những “chiến sĩ” thầm lặng trong các cuộc mổ - 1
Bác sĩ đang thực hiện gây mê cho bệnh nhân

 Một ngày cuối tháng 2, trời Cần Thơ nắng như đổ lửa nhưng bên trong khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức của bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, nơi đây gần như không có khái niệm về thời gian là ngày hay đêm, nắng hay mưa. Trong phòng bệnh lúc nào điện cũng sáng trưng, phòng bệnh được vô trùng đến tuyệt đối, tiếng máy thở tí tách đều đều ở các giường bệnh, còn các y bác sĩ vẫn luôn tay chân và gần như không có giây phút nào được thảnh thơi.

10h30 sáng, một ca đau ruột thừa cần phẫu thuật gấp, nếu không kịp thời có thể xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi bệnh nhân được đưa vào phòng gây mê, người nhà bệnh nhân vẫn cứ lấp ló ở cửa phòng bệnh như muốn gửi gắm một lời gì đó nhưng chưa kịp nói thì một điều dưỡng của khoa bước ra như trấn an. Bà yên tâm, các bác sĩ sẽ làm hết sức mình, hãy đợi ở ngoài khi phẫu thuật xong, người nhà sẽ được nhận tin sớm thôi.

Những “chiến sĩ” thầm lặng trong các cuộc mổ - 2
Trong suốt cuộc mổ, bác sĩ gây mê túc trực bệnh nhân, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn

10h 45 các bác sĩ hối hả chuẩn bị phòng mổ để kịp cho ca mổ cấp cứu. Người thì chuẩn bị giường mổ, người thì chuẩn bị dụng cụ phẫu thuật, người chuẩn bị thuốc để gây mê. Bệnh nhân được đưa vào phòng mổ, các bác sĩ gây mê lập tức đến tiếp xúc bệnh nhân, nhận định, đánh giá một cách nhanh chóng nhưng rất đầy đủ.

Bệnh nhân được khai thác về bệnh sử, tiền sử về các bệnh lý và tiền sử dị ứng thuốc. Bệnh nhân được giải thích đầy đủ về quy trình. 10h55 cả êkip nhanh chóng tiến hành gây mê cho bệnh nhân. Bệnh nhân được truyền dịch, đặt nội khí quản và tiêm thuốc gây mê, giãn cơ…

Những “chiến sĩ” thầm lặng trong các cuộc mổ - 3
Trong phòng Hồi sức các y, bác sĩ gần như không có một phút rảnh rỗi

11h10 bác sĩ gây mê lại nhận được tin báo từ khoa cấp cứu có một ca vết thương phức tạp ở bàn tay, các bác sĩ nhanh chóng chuẩn bị phòng mổ mới để ca mổ có thể được diễn ra nhanh nhất. Bệnh nhân vào phòng với tâm trạng rất hoảng sợ vì mới bị máy cưa cắt lìa xương ở bàn tay trái. Mỗi người một việc, không cần ai bảo ai, cả ê kip làm việc rất nhịp nhàng. Máy siêu âm được đẩy vào phòng để thực hiện kỹ thuật gây tê đám rối cánh tay cho bệnh nhân. Đây là kỹ thuật mới nhằm gây tê chính xác và an toàn cho bệnh nhân. Trong cuộc phẫu thuật, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo và không hề đau đớn.

Trong khi đang mổ cấp cứu để cứu bàn tay cho bệnh nhân, ngay phòng bên cạnh đang chuẩn bị mổ lấy thai cho một sản phụ 20 tuổi. Bệnh nhân có chỉ định gây tê tủy sống ngay lập tức để phẫu thuật nhằm đảm bảo tính mạng cho mẹ lẫn con.

Những “chiến sĩ” thầm lặng trong các cuộc mổ - 4
Bác sĩ gây mê đang theo dõi diễn tiến ca mổ

Theo quan sát của phóng viên, suốt các ca mổ, bác sĩ gây mê đứng sau màn xanh theo dõi tất cả các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân. Bất kỳ lúc nào có điều gì bất thường thì bác sĩ gây mê cũng là người đầu tiên điều chỉnh các sự cố. Trong ca mổ, khi thì bệnh nhân tụt huyết áp, khi huyết áp lại tăng cao, khi thì rối loạn đông máu, rối loạn hô hấp…Mỗi người sẽ có một tình trạng khác nhau và cách xử lý cũng khác nhau, không có một phác đồ chung cho tất cả mọi người. Nhưng người luôn chăm chú theo dõi, kịp thời điều chỉnh để giữ an toàn cho bệnh nhân luôn là các bác sĩ gây mê.

Thiếu một chút thuốc, bệnh nhân có thể tỉnh dậy giữa ca phẫu thuật, thừa một chút thuốc có thể bệnh nhân sẽ không bao giờ tỉnh lại được nữa. Trong cuộc mổ, bác sĩ gây mê phải phối hợp nhuần nhuyễn hàng loạt thuốc để bệnh nhân có cuộc mổ thuận lợi nhất. Sau khi kết thúc ca mổ, các bác sĩ phẫu thuật có thể nghỉ ngơi nhưng các bác sĩ gây mê hồi sức vẫn tiếp tục công việc của mình.

Những “chiến sĩ” thầm lặng trong các cuộc mổ - 5
Bác sĩ Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần thơ cho biết, Trong mỗi cuộc phẫu thuật, ê kip gây mê là người đến phòng mổ sớm nhất và cũng là người về sau cùng

Bác sĩ Phạm Thanh Phong – Phó giám đốc Phụ trách chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: Hầu hết sau các cuộc mổ, bệnh nhân thường biết đến bác sĩ phẫu thuật, ít ai biết được rằng người góp phần không hề nhỏ vào cuộc phẫu thuật đó là các bác sĩ gây mê hồi sức.

“Trong mỗi cuộc phẫu thuật, ê kip gây mê là người đến phòng mổ sớm nhất để chuẩn bị phòng mổ, tiếp cận bệnh nhân, chuẩn bị dụng cụ để tiến hành các bước khởi mê, tiền mê. Sau đó mới đến các bác sĩ phẫu thuật làm việc. Tùy vào thể trạng, bệnh lý cần phẫu thuật, bệnh nhân có bệnh nền hay không mà việc sử dụng các loại thuốc và liều lượng sẽ khác nhau ở mỗi bệnh nhân”, bác sĩ Phong cho biết.

Những “chiến sĩ” thầm lặng trong các cuộc mổ - 6
Bác sĩ gây mê âm thầm làm các công việc của mình trong phòng mổ

“Có những bệnh nhân 1 - 2 giờ sau mổ có thể trở về trạng thái sinh lý bình thường nhưng cũng có những bệnh nhân sau mổ nằm đến 5-10 ngày mới tỉnh. Bác sĩ gây mê vừa là bác sĩ ngoại khoa, bác sĩ nội khoa và vừa là bác sĩ hồi sức”, bác sĩ Phong cho biết.

Thủ lĩnh ngành gây mê của ĐBSCL

Khi nhắc đến bác sĩ gây mê giỏi, tâm huyết với nghề gần như giới y khoa ĐBSCL đều biết, đó là bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Huỳnh Đào, trưởng khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Bác sĩ Đào đã có 28 năm làm việc trong ngành gây mê hồi sức, đã cứu sống hàng ngàn bệnh nhân.

Những “chiến sĩ” thầm lặng trong các cuộc mổ - 7
Bác sĩ chuyên khoa 2, Trần Huỳnh Đào, trưởng khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ

Bác sĩ Đào cho biết,  ngay từ đầu bà đã xác định ngành gây mê là một ngành thầm lặng, nhiều áp lực nhưng bà lấy nhiệm vụ phục vụ sức khỏe nhân dân làm niềm vui. Bà luôn cảm thấy hạnh phúc vì đã đem lại sức khỏe cho bệnh nhân. Bác sĩ gây mê là cánh tay phải của ngành ngoại khoa. “Bác sĩ gây mê phải cần cù, kiên nhẫn và thật nhiều đam mê, muốn mang hư danh thì không làm ngành gây mê được”, bác sĩ Đào nói.

Đối với bác sĩ Đào, bệnh viện là nhà. Hằng ngày, bác sĩ Đào vào bệnh viện từ 6h30 và ra khỏi bệnh viện lúc 6 giờ tối. Có ngày, có những ca diễn tiến phức tạp, bác sĩ rời bệnh viện khi trời đã khuya.

Bác sĩ Trần Huỳnh Đào nói về công việc của mình

Khi được hỏi trong sự nghiệp làm nghề gây mê, ca bệnh nào để lại cảm xúc đặc biệt nhất, bác sĩ Đào cho biết: Năm 2007, khi sự cố sập nhịp dẫn cầu cần Thơ xảy ra cũng là ngày bệnh viện đang di dời nên cơ sở vật chất chưa đầy đủ. Trong khi đó, hàng loạt bệnh nhân được chuyển vào viện với tình trạng đa chấn thương, bất tỉnh. Trong đó có bệnh nhân Lê Hoàng Nam vào viện với tình trạng đa chấn thương, xương sườn gãy hàng loạt, tim phập phồng ngoài lồng ngực, phổi dập nát nằm ngoài lồng ngực,…Bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào phòng mổ gây mê để mổ cấp cứu.

Những “chiến sĩ” thầm lặng trong các cuộc mổ - 8
Bác sĩ Đào đang khám lại cho bệnh nhân

“Trong quá trình mổ, phổi bệnh nhân phải được tưới rửa nước muối sinh lý liên tục vì phổi dính đầy cát. Chưa hết, bệnh nhân ngưng tim hai lần, oxy máu tuột 100%,…Cả ê kip phải rất nỗ lực mới giúp bệnh nhân vượt qua ca mổ. Sau hơn 1 tháng nằm viện, bệnh nhân hồi phục tốt và được ra viện. Có lẽ hình ảnh quả tim em ấy đập phập phồng ngoài lồng ngực vẫn cứ như in vào tâm trí của mình trong cuộc đời làm bác sĩ”, Bác sĩ Đào cho biết.

Bác sĩ Phạm Thanh Phong cho biết thêm: Trong sự nghiệp làm nghề, bác sĩ Đào được rất nhiều giấy khen, bằng khen của bệnh viện, của Bộ Y tế. Năm 2017, bác sĩ Trần Huỳnh Đào được phong là thầy thuốc ưu tú. Năm 2019, bác sĩ Đào được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và bộ Y tế. Ngoài làm công tác chuyên môn bác sĩ Đào còn làm tốt công tác Công đoàn của bệnh viện. Từ năm 2017 đến nay, bác sĩ Đào là Chủ tịch Công đoàn của bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ.

Những “chiến sĩ” thầm lặng trong các cuộc mổ - 9
Trong suốt cuộc mổ, công việc của bác sĩ gây mê hồi sức rất lớn, nhưng khi ra viện bệnh nhân thường chỉ biết tên bác sĩ đã phẫu thuật cho mình

“Nhiều năm qua, bác sĩ Đào là thủ lĩnh của ngành gây mê của ĐBSCL. Bác sĩ Đào là tấm gương sáng về chuẩn mực đạo đức, chuyên môn để nhiều đồng nghiệp, đàn em  noi theo. Trong giao tiếp ứng xử hằng ngày, bác sĩ Đào có thái độ nhẹ nhàng, chân thành với bệnh nhân. Với cương vị là lãnh đạo khoa, bác sĩ Đào rất coi trọng việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho các bác sĩ trẻ nhằm xây dựng tập thể bệnh viện vững mạnh”, bác sĩ Phong cho biết.

Phạm Tâm