Những câu hỏi thường gặp nhất về "nguyệt san"
(Dân trí) - Chị em thường nhiều băn khoăn về kỳ "nguyệt san" nhưng lại ngại ngần hỏi bác sỹ hay bạn bè.
“Mất bao nhiêu máu trong kỳ nguyệt san?!”
Không một chuyên gia nào có thể đưa ra con số chính xác. Một số người lượng máu mất được đo bằng vài muỗng cà phê (4-12 cho cả chu kỳ), một số khác được đo bằng ml (khoảng 80ml cho cả chu kỳ).
Cách tốt nhất là đo lường qua các sản phẩm vệ sinh phụ nữ. Nếu phải thay băng vệ sinh 2 tiếng/lần thì nên đi khám phụ khoa.
Mất máu nhiều có thể do bệnh lý nội mạc tử cung, u xơ tử cung và rối loạn chức năng nội tiết tố. Chảy máu nhiều có thể dẫn đến mất máu (giảm nồng độ huyết sắc tố Hb)
Cần lưu ý đặc điểm của chu kỳ kinh nguyệt thường có tính chất di truyền từ mẹ sang con gái.
“Tất cả mọi người đều khổ sở vì kinh nguyệt?”
Khó chịu, đau lưng và đau bụng dưới là điều bình thường. Nhưng nếu trong kỳ "nguyệt san" bạn bị đau “như chết”, phải sống cùng thuốc giảm đau và chỉ có thể di chuyển trong tư thế bào thai thì hãy nhanh chóng đến bác sỹ. Khi bị đau như thế, có thể bạn đang đối mặt với chứng lạc nội mạc tử cung hoặc giãn tĩnh mạch vùng chậu.
Những người đam mê ăn uống, phụ nữ trẻ và phụ nữ tiền mãn kinh thường hay bị những cơn đau như vậy.
“Tại sao một số người có hội chứng tiền kinh nguyệt bình thường, còn tôi rất khó chịu và bực tức?”
Thường triệu chứng mỗi tháng của các cô gái sẽ thay đổi. Bởi nó phụ thuộc vào lối sống, yếu tố di truyền, yếu tố tâm lý và nơi cư trú.
Ví dụ, những người sống ở thành phố lớn sẽ có biểu hiện tiền kinh nguyệt nặng nề hơn những người sống ở vùng nông thôn.
“Hành kinh năm 10 tuổi có vấn đề gì không?”
Theo các bác sĩ, việc bắt đầu có "nguyệt san" liên quan với tình trạng sức khỏe khi trưởng thành.
Theo một nghiên cứu mới nhất của Hội tim mạch Mỹ, những phụ nữ bắt đầu kỳ kinh nguyệt trước 10 tuổi và sau 17 tuổi có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch, đột quỵ và các biến chứng liên quan đến huyết áp cao.
“Có thể làm gì đó với mụn trứng cá không?”
Nổi mụn trứng cá là báo hiệu của việc sắp có kinh.
Trong thời gian này, hoạt động của estrogen - hoóc môn điều khiển hoạt động của tuyến bã nhờn sẽ giảm. Nhưng nồng độ của progesterone lại tăng lên. Nó làm tăng tốc độ tiết bã nhờn và mụn chính là từ đó.
Chúng ta không thể tác động tới quá trình nội tiết tố nhưng có thể loại bỏ những yếu tố tăng nặng như: stress, thực phẩm không lành mạnh (mà chúng ta thường thấy thèm khi vào giai đoạn tiền kinh nguyệt) và lạm dụng mỹ phẩm.
“Có thể quan hệ tình dục?”
Hiện nay các bác sĩ Phương Tây gần như nhất trí rằng - không chỉ có thể, mà còn cần! Tất nhiên là phải sử dụng bao cao su. Bao cao su giúp tránh thai (vì bạn hoàn toàn có thể mang thai trong thời gian này) và tránh các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn bởi niêm mạc vào thời điểm này rất nhạy cảm.
Theo số liệu của Hiệp hội sản phụ khoa Mỹ (ACOG), âm đạo duy trì mức độ pH 3,8-4,5 trong tháng. Vào thời điểm "nguyệt san", độ pH sẽ tăng, tạo cơ hội cho nấm men phát triển nhanh hơn. Vậy nên sử dụng bao cao su trong giai đoạn này sẽ ngăn sự lây lan của nấm men.
Hoàng Hường
Theo mail