1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Những “án tử” rình rập sản phụ khi vượt cạn

(Dân trí) - Tiền sản giật, sản giật là một trong những tai biến gây tử vong mẹ hàng đầu trong sản khoa. Sàng lọc, dự phòng, chẩn đoán sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp sản phụ nguy cơ cao tránh được hiểm họa khi vượt cạn.

Cửa sinh đi liền cửa tử

Ngày 21/4, thông tin từ PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế, TPHCM cho hay, vừa qua bệnh viện Phụ sản Hùng Vương đã phối hợp với các bác sĩ bệnh viện Thống Nhất kịp thời cứu sống một trường hợp bị sản giật rất nặng.

Sản phụ là Nguyễn Thị Hiếu Th. (20 tuổi, ngụ tại Hóc Môn) mang thai 9 tháng được chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất trong tình trạng rất nguy kịch: co giật toàn thân, hôn mê, sùi bọt mép, huyết áp rất cao (210/120 mmHg), ngưng tim, ngưng thở.

Trẻ chào đời khỏe mạnh sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số
Trẻ chào đời khỏe mạnh sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số

Người bệnh trong tình trạng rất nguy kịch nết chuyển viện sẽ tử vong cả mẹ lẫn con. Cùng với nỗ lực hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất “báo động đỏ” đến Bệnh viện Hùng Vương. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bác sĩ của hai bệnh viện đã thực hiện thành công cuộc phẫu thuật lấy thai, hồi sức cấp cứu giúp mẹ con sản phụ qua cơn nguy kịch. Bé trai cân nặng 3,4kg chào đời trong niềm vui và hạnh phúc của gia đình và các y, bác sĩ.

Không may mắn như trường hợp trên, một sản phụ ngụ tại Bình Thuận đã vĩnh viễn ra đi, bỏ lại đứa con thơ vừa chào đời. Người phụ nữ xấu số là Nguyễn Thị Thanh H. (28 tuổi, ngụ tại Bình Thuận) được gia đình chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khi đang mang thai ở tuần 35 nhưng có biểu hiện tức ngực, khó thở.

Sau khi thăm khám xác định bệnh nhân bị tiền sản giật, nhau bong non các bác sĩ phải thực hiện khẩn cuộc mổ bắt con, bé gái cân nặng 2,6kg may mắn được cứu sống. Bệnh nhân Thanh H. ngay sau đó được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị trong tình trạng hôn mê, viêm phổi nặng. Dù các bác sĩ đã nỗ lực hồi sức tích cực nhưng gần 1 tháng trôi qua, bệnh tình diễn tiến mỗi ngày một nặng, người mẹ đã vĩnh viễn ra đi bỏ lại đứa con thơ.


Để vượt cạn thành công, cả mẹ và bé phải chiến đấu với rất nhiều hiểm nguy rình rập

Để vượt cạn thành công, cả mẹ và bé phải chiến đấu với rất nhiều hiểm nguy rình rập

PGS Tăng Chí Thượng cho hay, tỷ lệ tử vong mẹ trong quá trình mang thai, vượt cạn hiện đang ở mức khá cao (65 ca/100.000 trẻ sinh sống). Tiền sản giật, sản giật được xác định là những nguyên nhân gây tử vong mẹ hàng đầu trong sản khoa, bên cạnh đó là những nguyên nhân băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản, vỡ tử cung. Mặt khác, nhiều trẻ tử vong sau khi chào đời do mắc phải các dị tật bẩm sinh hoặc mang bệnh, dị tật, ảnh hưởng đến chất lượng dân số, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Còn những “vùng trắng” trong sản phụ khoa

Từ thực tế nhiều trường hợp bị tai biến sản khoa đang diễn ra tại TPHCM nói riêng và trên cả nước nói chung, PGS Tăng Chí Thượng cho rằng: “còn những khoảng trống giữa các bệnh viện đầu ngành về sản phụ khoa và các bệnh viện đa khoa tuyến dưới trong thực hành liên quan đến thai kỳ nguy cơ cao. Việc theo dõi, tầm soát, chẩn đoán cho thai phụ trong thai kỳ do trình độ chuyên môn, trang thiết bị của các bác sĩ tuyến cơ sở còn hạn chế khiến nhiều ca bệnh đối mặt với nguy hiểm.

Cùng quan điểm trên, TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc bệnh viện Hùng Vương cho rằng: Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật việc chẩn đoán trước sinh trong theo dõi thai kỳ, sàng lọc trước sinh ngày càng hiện đại, ít xâm lấn góp phần phát hiện những nguy cơ ở người mẹ, dị tật ở thai nhi, nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng không phải tất cả các trường hợp đều dễ dàng cho các bác sĩ chuyên khoa trong chẩn đoán hình ảnh, di truyền học đưa ra kết luận và những quyết định can thiệp. Vấn đề trên càng khó khăn hơn tại các bệnh viện tuyến cơ sở.

Rất nhiều trẻ sinh ra mang theo mình dị tật, bệnh bẩm sinh trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội
Rất nhiều trẻ sinh ra mang theo mình dị tật, bệnh bẩm sinh trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội

Để hạn chế rủi ro có thể xảy đến trong suốt thai kỳ và quá trình vượt cạn, TS Diễm Tuyết khuyến cáo các cặp vợ chồng khi có ý định sinh con cần tham vấn ý kiến của chuyên gia sản phụ khoa về sức khỏe sinh sản; khi mang thai cần tuân thủ lịch khám định kỳ và các chỉ định của bác sĩ trong dự phòng, tầm soát các yếu tố nguy cơ ở cả mẹ và bé. Việc tầm soát, dự phòng không chỉ giúp thai phụ và thai nhi có được sức khỏe tốt nhất mà còn giúp bác sĩ kịp thời can thiệp cho những trường hợp không may xảy ra rủi ro, tai biến.

Nhằm nâng cao chất lượng trong chăm sóc, hỗ trợ sinh sản, hạn chế nguy cơ tử vong mẹ và bé khi vượt cạn, PGS Tăng Chí Thượng cho biết, Sở Y tế đang yêu cầu 2 bệnh viện sản khoa đầu ngành của thành phố là Từ Dũ và Hùng Vương đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Cùng với các hội thảo khoa học có sự góp mặt của những chuyên gia đầu ngành lĩnh vực sản phụ khoa trên thế giới, Sở Y tế kỳ vọng sẽ lấp đầy khoảng trống, tạo sự kết hợp hiệu quả giữa các bệnh viện có khoa sản và cả bệnh viện không có khoa sản, cứu sống cả mẹ và con sản phụ khi không may bị tai biến.

Vân Sơn