Những ân nhân cả đời không quên…

(Dân trí) - Trước những ca bệnh nguy kịch, họ đã hết mình để cứu sống bệnh nhân. Nhưng người bệnh qua được nguy kịch không có nghĩa là đã hết duyên với bác sĩ. Có những người đã thực sự gắn bó với gia đình bệnh nhân, giúp đỡ họ cả về vật chất lẫn tinh thần…

Những ân nhân cả đời của người bệnh…
Các bác sĩ, họ làm hết mình để cứu giúp người người. Và họ cũng sẻ chia với những hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn... Ảnh: Song Ngọc

Một ngày cuối tháng 1/2013, tại sảnh chờ của Viện tim mạch (BV Bạch Mai), tôi tò mò trước một gia đình “lỉnh kỉnh” túi, ba lô và một túi gạo. Lân la đến hỏi, mới biết, con cả của gia đình được một bác sĩ tại viện chữa khỏi bệnh từ năm 2009, ơn bác sĩ nhiều lắm, cuối năm, năm nào cũng mang chút “quà quê” cho bác là 10kg gạo nếp nhà trồng được.

Anh Lưu Văn Hải (dân tộc Nùng, Yên Thế, Bắc Giang) cho biết, đã 4 năm nay, gia đình anh cứ dịp cuối năm là lại dắt díu cả nhà lên thăm bác sĩ. Dù bác sĩ không đồng ý vẫn cứ đến. “Bởi cái ơn quá lớn trong lòng, không đến thăm bác thì áy náy. Dù biết bác chẳng có thời gian dành cho mình, nhưng cả nhà vẫn sẵn lòng đợi, để chỉ gặp bác trong ít phút”.

Anh Hải kể lại, cách đây 4 năm, năm 2009, con trai của anh là cháu Lưu Đức Thống trên đường đi học về thì bị tai nạn ô tô. Cú va chạm đã khiến cậu bé bị chấn thương nặng, phải chuyển thẳng lên bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Nằm tại khoa Hồi sức tích cực, tính mạng bé rất nguy kịch, phải thở máy. Gia đình anh cũng chỉ biết khẩn cầu ông trời thương xót lấy bé…

Sau 22 ngày nằm thở máy, bé mới được chỉ định phẫu thuật vì quá yếu. Lúc này gia đình anh như “bừng tỉnh”. “Con mổ, con mổ. Lấy đâu tiền bồi dưỡng bác sĩ”, anh Hải bày tỏ suy nghĩ thật sự trong tình huống đó. Nhưng chưa kịp lo xong thì bé đã được phẫu thuật và được chuyển về Hồi sức tích cực, cũng chẳng thấy bác sĩ “nhắc nhở” như người quê đồn đại.

Tìm hiểu mãi, anh chị mới biết bác sĩ phẫu thuật cho con và quyết định tìm cơ hội gặp bác để đưa phong bì. “Tôi vẫn còn nhớ, lúc ấy khó khăn lắm, nhưng biết ơn bác sĩ vô cùng, chỉ muốn bày tỏ lòng cảm ơn và hai vợ chồng đã lo được phong bì là 4,5 triệu. Nhưng vừa gặp được bác, chồng đưa phong bì, bác vừa cầm đã chuyển sang vợ: “Mang về, mua thuốc thang, đường sữa cho con”. Quả thực, lúc đó, chúng tôi lặng người, nước mắt tuôn trào mà không nói được gì. Bác lại giục: Thôi ra mua đường sữa cho con, bác còn đi mổ”.

Hai vợ chồng lại ra về, một người ở lại chăm con, một người lại về quê làm, mang lên được mấy cân sắn, nhờ các cô y tá luộc biếu bác sĩ.

“Tôi vẫn còn nhớ, khi được mời ăn sắn, các cô còn khúc khích, nhờ bác sĩ Hùng mà được ăn sắn quê, ngon, dẻo quá. Hỏi ra mới biết của hai vợ chồng con của bệnh nhân mình đã mổ”, BS Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch (BV Bạch Mai), khi đó còn làm ở BV Việt Đức nhớ lại.

Ngồi trước bác sĩ, cậu bé Lưu Đức Thống có phần rụt rè khi được bác hỏi về kết quả học tập. Năm nay, cậu bé chỉ có kết quả học trung bình. Nhưng bác sĩ biết vì hoàn cảnh, anh Hải, chị Thoa vẫn đi làm xa, để con ở nhà cho ông bà chăm lo nên cũng không mắng mỏ, chỉ răn đe: “Năm sau, nếu không có kết quả học khá thì đừng lên gặp bác”.

Anh Hải cho biết, năm nào bác cũng cho Thống tiền mua sách vở đầu năm học. Khi biết hai vợ chồng đều đi làm xa (anh Hải làm công nhân xây dựng, còn vợ đi nấu ăn cho các công trình xây dựng), không có nhiều thời gian bảo ban con, bác sĩ Hùng đã ngỏ lời lo việc cho mẹ Thống ở Hà Nội, thu nhập vẫn vậy nhưng thời gian ổn định, có thể lo cho con tốt hơn…

Thỉnh thoảng, tác giả bài viết lại nhận được điện thoại của một bác sĩ: “Em ơi, bệnh nhân nghèo quá. Có cơ hội sống mười mươi ra mà gia đình khó khăn, đòi về. Em vào viết kêu gọi giúp họ.

Còn nhớ, khi vào khoa Hồi sức tích cực (BV Việt Đức) viết về trường hợp bé Hoàng Gia Bảo (14 tháng tuổi, bị thương trong một tai nạn ô tô khiến bố mẹ đều tử nạn), khi chúng tôi đến, chỉ có ông nội là người dân tộc đang chăm sóc bé, tiền không có một đồng trong khi bé đang cần sữa, bỉm. Đang trò chuyện thì ông nội bé tiết lộ: “Bác sĩ điều trị sáng vừa cho 1 triệu để đi mua sữa cho bé. Chúng tôi rất cảm ơn tấm lòng của bác sĩ, vừa lo điều trị cho bé, vừa giúp đỡ gia đình khi đang ở tình cảnh khó khăn”.
 
Những ân nhân cả đời của người bệnh…
Bệnh nhân này đã rơi nước mắt khi nhận được sự chăm sóc tận tình của bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới T.Ư dù gia cảnh chị nghèo, không có tiền nộp viện phí. Ảnh: H.Hải

“Có trong hoàn cảnh con bị bệnh mới hiểu tấm lòng của các bác sĩ như thế nào. Mọi người vẫn đồn thổi, không có phong bì thì không được bác sĩ chăm lo tốt. Nhưng chúng tôi, những bệnh nhân nghèo không có tiền đi phong bì bác sĩ nhưng vẫn nhận được sự chăm sóc tận tình, nhận được sự giúp đỡ, sẻ chia trực tiếp từ các bác sĩ. Nhận tiền từ tay bác sĩ cho mua sữa cho con mà run run, không nói được lời cảm ơn bác sĩ lấy một lời. Có trong hoàn cảnh này mới hiểu, lương y như từ mẫu vậy”, bà Lộc Thị Chăm, người đã được bác sĩ khoa Hồi sức tích cực (BV Việt Đức) cho tiền mua sữa cho con tâm sự.

Tú Anh