Những ai dễ mắc phải ung thư vòm họng?
(Dân trí) - Ung thư vòm họng là bệnh lý ác tính, một trong 10 loại ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam.
Ai dễ mắc phải ung thư vòm họng?
Bệnh dễ mắc phải ở những người có lối sống không lành mạnh, tiền sử gia đình có người mắc ung thư vòm họng, nam giới ở tuổi 40-60. Nếu phát hiện sớm, bệnh có thể được điều trị khỏi bằng các can thiệp y tế như xạ trị, hóa trị. Ung thư vòm họng là bệnh lý ác tính, gây tử vong cao nếu không điều trị kịp thời.
Mặc dù nguyên nhân của bệnh này chưa được xác định rõ ràng nhưng một số yếu tố sau đây được coi là có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng:
- Thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, môi trường kém thông khí, hóa chất (đặc biệt là các hydrocacbon thơm), ăn nhiều cá muối và các thức ăn lên men (dưa, cà, mắm)…
- Hút thuốc
- Uống nhiều bia rượu
- Do di truyền
- Yếu tố địa lý: Ung thư vòm thường gặp với tỷ lệ cao ở các nước Đông Nam Á, miền nam Trung Quốc nhưng ít gặp ở các nước Âu Mỹ. Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ của ung thư vòm.
- Nhiễm virus EBV
Cách nhận diện ung thư vòm họng
Do vị trí nằm ở sâu nên ung thư vòm họng thường khó phát hiện được sớm, các dấu hiệu của bệnh thường lẫn với các triệu chứng của cơ quan khác. Chính vì vậy, bệnh nhân thường đến viện muộn hoặc đã được điều trị ở những chuyên khoa khác như tai mũi họng, mắt, thần kinh. Chẩn đoán ung thư vòm họng dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, soi vòm, chụp phim, chẩn đoán tế bào học và mô bệnh học.
Giai đoạn sớm
Giai đoạn đầu các triệu chứng của bệnh rất mơ hồ, kín đáo và dễ chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác. Khi các triệu chứng đã rõ ràng thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Người bệnh thường có những biểu hiện như: nhức đầu (lan tỏa, âm ỉ, thường ở một bên), ù tai (đa số một bên, ù như tiếng ve kêu), ngạt mũi một bên lúc nặng lúc nhẹ, đôi khi xì ra máu mũi.
Giai đoạn muộn
Lúc này khối u phát triển tăng dần về kích thước, xâm lấn ra xung quanh nên bệnh nhân nhức đầu liên tục có lúc dữ dội, có điểm đau khu trú; ù tai tăng, nghe kém, giảm thính lực, có thể điếc; ngạt mũi liên tục, kèm chảy máu mũi, không đáp ứng với điều trị thông thường.
Ngoài ra có thể xuất hiện một số triệu chứng như:
- Triệu chứng hạch cổ: Phổ biến nhất là vị trí hạch cổ cao, đặc biệt là hạch cổ sau trên.
- Triệu chứng mũi: Ngạt tắc mũi, chảy máu mũi, hay xì ra nhầy lẫn máu do u lớn gây bít tắc hoặc do hoại tử u.
-Triệu chứng tai: Phổ biến nhất là mất nghe một bên do u làm tắc vòi Eustachio dẫn tới viêm tai thanh dịch. Sự mất chức năng của vòi Eustachio có thể là kết quả từ sự xâm lấn các cơ nuốt hoặc liệt các cơ mở họng.
-Triệu chứng mắt: Vào giai đoạn muộn khi u xâm lấn rộng sẽ gây chèn ép làm tổn thương dây thần kinh chi phối vận động mắt, khi đó bệnh nhân có biểu hiện lác, nhìn đôi, sụp mi, giảm hoặc mất thị lực.
Tiên lượng ung thư vòm họng
Ở giai đoạn I và II, tỷ lệ sống trên 5 năm sau điều trị có thể lên tới 80-90%, nhiều trường hợp có thể khỏi hẳn. Với ung thư vòm họng ở giai đoạn III, tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ khoảng 30-40% và giai đoạn muộn chỉ còn 15%.
Ngoài ra, tiên lượng bệnh còn phụ thuộc nhiều vào thể ung thư, trong đó ung thư biểu mô không biệt hóa có tiên lượng tốt nhất vì rất nhạy cảm với tia xạ. Ung thư mô liên kết có tiên lượng kém nhất.
Tùy vào giai đoạn ung thư, loại ung thư vòm họng, kích thước khối u, tuổi tác và sức khỏe người bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Các phương pháp điều trị bệnh ung thư vòm họng gồm:
- Xạ trị: Sử dụng các chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư.
- Hóa trị: Dùng thuốc viên hoặc thuốc truyền tĩnh mạch để tiêu diệt tế bào ung thư. Người bệnh có thể sử dụng hóa trị để điều trị ung thư vòm họng cùng lúc, sau hoặc trước khi xạ trị.
- Phẫu thuật: Thường dùng để loại bỏ ung thư hạch bạch huyết ở cổ họng, không tiến hành phẫu thuật để điều trị ung thư vòm họng.
- Ngoài các phương pháp điều trị ung thư vòm họng như trên, hiện nay các phương pháp điều trị mới như công nghệ gen, miễn dịch học…cũng cho thấy hiệu quả điều trị tích cực.