Dịch Covid-19 phức tạp: Bệnh nhân ung thư có nên hoãn khám, điều trị?
(Dân trí) - Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang là mối quan tâm, lo lắng hàng đầu của mọi quốc gia. Số lượng người mắc và tử vong vì dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại.
Bệnh nhân ung thư có nên hoãn khám, điều trị vì Covid-19?
Tại Việt Nam, những ngày vừa qua dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, do đó cách quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe đó là nâng cao ý thức, chủ động phòng ngừa dịch bằng cách thực hiện các khuyến cáo mà Bộ Y tế đưa ra. Điều này càng quan trọng đối với những người mắc bệnh mạn tính, có sức đề kháng yếu như bệnh nhân ung thư.
Hệ thống miễn dịch có vai trò quan trọng giúp bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Những người bệnh có hệ thống miễn dịch bị suy yếu có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn, bao gồm cả nhiễm virus như SARS-CoV-2.
Với khoảng 300.000 người đang sống chung với căn bệnh ung thư, điều này càng trở nên đáng lưu tâm bởi phần lớn các bệnh nhân ung thư thường có nguy cơ bị tổn thương hệ thống miễn dịch cao, do sự suy giảm hệ miễn dịch, các bệnh nhân ung thư đã hoặc đang điều trị đều có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cao hơn khi nhiễm Covid-19.
Một vấn đề mà nhiều bệnh nhân ung thư quan tâm là việc có nên trì hoãn lịch tái khám, điều trị bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang leo thang. Giải đáp thắc mắc này, theo Bệnh viện K, các bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân giải pháp thích hợp bằng cách cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, dựa trên hướng dẫn thực hành quốc tế.
Cụ thể, có nhiều yếu tố để đánh giá nguy cơ của một bệnh nhân ung thư như:
Chia các nhóm nguy cơ theo độ tuổi:
- Dưới 50 tuổi
- Từ 50 - 70 tuổi
- Trên 70 tuổi
Chia nhóm nguy cơ dựa trên chính xác từng cá thể bệnh như đang mắc loại ung thư gì, giai đoạn nào:
- Bệnh có nguy cơ thấp: Có thể trì hoãn điều trị trên 3 tháng, ví dụ như: ung thư vú giai đoạn sớm, có thụ thể nội tiết dương tính.
- Bệnh có nguy cơ trung bình: Có thể trì hoãn trong vòng 3 tháng, ví dụ như ung thư hắc tố.
- Bệnh có nguy cơ cao: Điều trị lập tức, không thể trì hoãn, ví dụ như ung thư đường tiêu hóa có nguy cơ tắc ruột.
Bên cạnh đó, với những trường hợp bệnh nhân đến thời kì lĩnh thuốc, tái khám, trước khi đến bệnh viện, nên gọi điện vào tổng đài để được tư vấn phương án phù hợp nhất.
Ví dụ trong trường hợp dịch bệnh căng thẳng, người bệnh có thể xin tư vấn để lĩnh thuốc tại địa phương, vì hệ thống mạng lưới phòng chống ung thư hiện đã rộng khắp toàn quốc. Bệnh viện các tỉnh đều đã có khoa ung bướu.
Bên cạnh đó, nếu người bệnh có bất kì triệu chứng bất thường nào cũng cần liên hệ với bác sĩ để nhận được tư vấn kịp thời.
Lưu ý để tự phòng Covid-19 với bệnh nhân ung thư
Theo các chuyên gia, bệnh nhân ung thư khi mắc Covid-19 thì tiên lượng sẽ xấu hơn. Do đó, nếu đã mắc bệnh cần phải hết sức quan tâm đến vấn đề phòng bệnh, đặc biệt là với các bệnh ung thư tiến triển nhanh như ung thư phổi, ung thư gan…
Người bệnh cần có những biện pháp tự bảo vệ khi tiếp xúc cộng đồng, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên.
Phải chú ý những người có yếu tố dịch tễ, về từ vùng dịch đã được cơ quan chức năng khuyến cáo.
Cần nắm được sức khỏe của những người thường xuyên tiếp xúc, để trong trường hợp họ có triệu chứng nghi ngờ như bị sốt thì chủ động giảm tiếp xúc, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Tuyệt đối tuân thủ các quy định của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, bệnh nhân ung thư nên tăng cường thể trạng, sức đề kháng thông qua chế độ dinh dưỡng, tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ.