Những ai có nguy cơ mắc ung thư vú?

Tú Anh

(Dân trí) - Ung thư vú có thể gặp ở bất cứ chị em phụ nữ nào, ở lứa tuổi nào. Tuy nhiên, khi có các yếu tố dưới đây, nguy cơ sẽ tăng lên, đòi hỏi cần tầm soát chặt chẽ, phát hiện bệnh khi ở giai đoạn sớm.

Các yếu tố gia tăng nguy cơ mắc ung thư vú bao gồm:                                                    

- Tiền sử gia đình: có mẹ, con gái, chị, em gái bị ung thư

- Phụ nữ có đột biến gen BRCA1, BRCA2

- Tuổi cao ≥ 40 tuổi

- Người có tiền sử chiếu xạ vùng ngực

- Phụ nữ hành kinh sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi)

- Phụ nữ mang thai muộn (>30 tuổi), không mang thai, không cho con bú

- Những người mắc bệnh béo phì, hút thuốc lá

- Có tiền sử mắc bệnh ung thư trước đó: ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung…

Những ai có nguy cơ mắc ung thư vú? - 1

BSCKII. Nguyễn Thị Hoa Mai, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, việc tự khám vú có thể giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường, các triệu chứng sớm của bệnh ung thư vú.

Phụ nữ có thể tự khám vú của mình khi đứng trước gương hoặc ở tư thế nằm. Với phụ nữ còn kinh nguyệt nên khám vú vào ngày thứ 7 sau chu kỳ kinh (lúc này tuyến vú mềm nhất). Đầu tiên là đứng trước gương quan sát 2 bên tuyến vú xem có đều nhau không, màu sắc da tuyến vú có chỗ nào bất thường hay không, kiểm tra các dấu hiệu bất thường như co kéo da vú, núm vú. Tiếp đó, dùng tay phải kiểm tra vú trái và ngược lại. Dùng 4 ngón tay xoa đều xung quanh ngực xem có khối u cục nào ở tuyến vú hay không, nặn núm vú phát hiện dịch tiết núm vú bất thường, sờ các hạch quanh nách, hạch thượng đòn, hạch cổ.

Ngoài ra, chị em nên thực hiện sàng lọc ung thư vú định kỳ tại cơ sở y tế. Hiện nay, có rất nhiều các phương pháp sàng lọc ung thư vú bao gồm: Khám lâm sàng; Siêu âm tuyến vú; Chụp X-quang tuyến vú; Chụp cộng hưởng từ tuyến vú và chọc hút tế bào tuyến vú dưới hướng dẫn của siêu âm khi có tổn thương nghi ngờ.