Những ai cần đề phòng bệnh ung thư gan “ghé thăm”?
(Dân trí) - Người có tiền sử gia đình có người bị ung thư gan, nhiễm virus viêm gan B, C, gan nhiễm mỡ không do rượu, béo phì... đều cần lưu ý tầm soát ung thư gan.
Ung thư gan nguyên phát là bệnh lý ác tính của gan xảy ra khi tế bào bình thường của gan trở nên bất thường về hình thái và chức năng. Các tế bào ung thư phát triển gây ảnh hưởng đến mô bình thường liền kề và có thể lây lan sang các vùng khác của gan cũng như các cơ quan bên ngoài gan.
Ung thư gan nguyên phát gồm 3 loại chính: ung thư biểu mô tế bào gan (phát triển từ tế bào gan), ung thư biểu mô đường mật (phát triển từ đường mật trong gan) và u nguyên bào gan (Hepatoblastoma). Trong đó ung thư biểu mô tế bào gan là hay gặp nhất.
Cách tốt nhất để phát hiện ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ có siêu âm gan ít nhất mỗi 6 tháng/lần đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao (xơ gan, viêm gan mạn do rượu, viêm gan virus B, C,…). Khi nghi ngờ có ung thư gan, bác sĩ sẽ yêu cầu thêm những xét nghiệm, thăm dò sau để chẩn đoán.
Những đối tượng cần tầm soát ung thư gan?
Theo BS Lê Trung Hiếu, khoa Phẫu thuật Gan Mật tụy, Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), thông thường người ta chia làm 2 nhóm đối tượng có khả năng mắc ung thư gan cao lần lượt như sau:
Đang nhiễm virus và các bệnh liên quan đến gan:
- Tiền sử gia đình có người bị ung thư gan.
- Virus viêm gan B và viêm gan C là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư tế bào gan nguyên phát.
- Viêm gan do nguyên nhân tự miễn, có thể đi kèm các bệnh tự miễn khác: như đái tháo đường tuyp 1, bướu cổ, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ,....
- Gan nhiễm mỡ không do rượu.
Mắc các bệnh khác nhưng có nguy cơ bị ung thư gan:
- Các bệnh béo phì, tiểu đường làm tăng nguy cơ bị ung thư gan.
- Xơ gan do sử dụng rượu bia, các chất kích thích quá nhiều.
Ngoài ra còn những nguyên nhân tự phát mà khoa học chưa thể nghiên cứu và giải thích.
Khi có những biểu hiện như thường xuyên mệt mỏi, nước tiểu có màu vàng đậm, đau âm ỉ vùng gan, xuất huyết dưới da thì cũng nên khám thường xuyên để nhận được lời khuyên của bác sĩ.