Những ai cần cảnh giác ung thư dạ dày “ghé thăm”

(Dân trí) - Ung thư dạ dày là một trong 5 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Tại nước ta tỷ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn còn cao, khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Ung thư dạ dày giai đoạn sớm được định nghĩa là mức độ xâm lấn ung thư dạ dày chưa vượt qua lớp hạ niêm mạc. Ở giai đoạn này có tiên lượng tốt hơn nhiều so với ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển (90% sống sót sau 5 năm). 

Theo TS.BS Phạm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot, Trưởng khoa Ngoại bụng 1 Bệnh viện KTrung ương (Hà Nội), ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng. Bệnh nhân đến với dấu hiệu đau vùng thượng vị một cách mơ hồ, đau có thể lan ra sau lưng kèm theo bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và cảm giác nóng rát. 

Những ai cần cảnh giác ung thư dạ dày “ghé thăm” - 1

Trong những trường hợp mà bệnh ung thư tiến triển hơn thì những dấu hiệu bệnh rõ hơn. Chẳng hạn, bệnh nhân có khối u lớn, gây hẹp một phần dạ dày, bệnh nhân có thể đau, buồn nôn, và thể trạng toàn thân thiếu máu, gầy sút. Đấy là những biểu hiện bệnh tiến triển của ung thư giai đoạn muộn hơn.

Dưới đây, bác sĩ lưu ý những đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày:

Hút thuốc lá

Đây là một trong những thói quen mà đa số người mắc ung thư dạ dày vẫn duy trì sử dụng. Tại Bệnh viện K hầu hết nam giới mắc ung thư dạ dày đều sử dụng thuốc lá. Đây có thể xem là yếu tố nguy cơ gây nên căn bệnh này.

Nam giới tuổi trên 40

Trong số những người mắc ung thư dạ dày, có tới 96% là người ở độ tuổi từ 40 trở lên. Nam giới có tỷ lệ cao khoảng hơn gấp đôi so với phụ nữ mắc ung thư dạ dày.

“Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc ung thư dạ dày càng lớn hơn, từ 40-50 tuổi có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn người trẻ. Tuy nhiên cũng phải nói ung thư dạ dày nói riêng và ung thư nói chung có xu hướng trẻ hóa”, TS Bình nhấn mạnh.

Thói quen ăn uống mặn, đồ nướng, chiên...

Những người có thói quen ăn nhiều thực phẩm được chế biến như hun khói, thức ăn ngâm tẩm, muối, món ăn chứa lượng muối cao thường có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn những người có thói quen ăn uống nhạt và thanh đạm.

Những người mắc các bệnh liên quan đến tiêu hóa

Ung thư dạ dày thường gặp ở người đã có bệnh dạ dày từ trước, như tiền sử từng phẫu thuật dạ dày, đau, viêm loét dạ dày lâu năm, bệnh nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori).

Di truyền

Nếu trong gia đình có thành viên có tiền sử bị bệnh ung thư, thì nguy cơ mắc ung thư sẽ có tỷ lệ cao hơn.

Một số bệnh lý khác

Bệnh nhân hoặc tiền sử gia đình có polyp tuyến có tính chất gia đình (FAP), mắc hội chứng Lynch, hội chứng Peutz-Jeghers, hội chứng Juvenile polyposis cũng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày.

Những người tăng sản hoặc polyp tuyến dạ dày, thiếu máu nghi ngờ ác tính, dị sản ruột tại dạ dày cũng không thể “làm ngơ” với căn bệnh ung thư này.

Những triệu chứng của ung thư dạ dày là gì?

Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không có triệu chứng. Ở giai đoạn muộn hơn, các triệu chứng có thể gồm:

- Sút cân

- Đau chướng bụng, đặc biệt vùng trên rốn

- Mệt mỏi, chán ăn hoặc cảm giác ậm ạch khó tiêu

- Buồn nôn, nôn

- Đi ngoài phân đen

- Sờ thấy u ở bụng

Tất cả các triệu chứng trên có thể do các nguyên nhân khác ngoài ung thư dạ dày. Nhưng khi bạn có các triệu chứng trên, hãy đi khám sớm để được điều trị kịp thời.

Hà An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm