1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhũ hoa bất thường

Bên cạnh những bệnh lý bẩm sinh như chỉ có một bên vú, thừa tuyến sữa, nữ hóa tuyến vú thì sự thiếu hiểu biết cũng khiến nhiều người phải chịu cảnh nhũ hoa bất thường.

Khiếm khuyết bẩm sinh

 

Chị Cúc, 37 tuổi, thường cảm thấy có những khối u gần tuyến vú, gây căng đau vào kỳ kinh. Lo bị ung thư vú nên chị đến khám tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Tại đây, sau khi chẩn đoán bằng siêu âm, bác sĩ cho biết ngoài tuyến vú bình thường, bệnh nhân này còn có thêm những tuyến vú phụ. Chính chúng đã căng đau vào kỳ hành kinh do sự xáo trộn nội tiết tố vào mỗi chu kỳ.

 

Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, giải thích, vào tuần thứ 6 của thai kỳ, mô tuyến vú bắt đầu phát triển theo đường sữa từ nách đến vùng bẹn. Ở đa số trường hợp, đường sữa này bị thoái hóa vào tuần thứ 9 và chỉ còn lại tuyến vú ở bên ngực. Tuy nhiên, một số trường hợp không mất đi đường sữa mà giữ nó suốt đời nên có những tuyến vú phụ, hay tuyến vú lạc chỗ.

 

Tuyến vú phụ lành tính, không gây nguy hiểm, không tăng nguy cơ ung thư vú và có khi biểu hiện như một nốt ruồi. Nhưng cũng có trường hợp tuyến vú phụ có đầy đủ bộ phận như tuyến vú, núm vú, quầng vú, gây mất thẩm mỹ. Tùy từng trường hợp, bệnh nhân có thể giữ lại hoặc yêu cầu bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú phụ.

 

Có những trường hợp bị khuyết một bên ngực do bẩm sinh do mắc hội chứng Poland, đó là chị Thanh, 40 tuổi, quê ở một tỉnh miền Tây Nam bộ. Đây là trường hợp bất thường trong phát triển tuyến vú, có thể gây khuyết một hoặc cả hai bên vú. Hiện nay, với kỹ thuật tạo hình tuyến vú, các bác sĩ có thể giúp những bệnh nhân này có bộ ngực cân đối với hình dáng bình thường.

 

Bệnh viện Ung bướu TP HCM cũng từng phẫu thuật cho một bệnh nhân 15 tuổi có tuyến vú phì đại với trọng lượng khoảng 15 kg. Đây là hội chứng phì đại tuyến vú do có sự xáo trộn bất thường về nội tiết tố. Đối với những trường hợp này, quyết định mổ trong tuổi dậy thì hay chờ hết tuổi dậy thì là tùy thuộc vào bệnh nhân và gia đình. Ở một số trường hợp khác, bệnh nhân bị phì đại tuyến vú sau khi sinh con cũng do nội tiết tố bị xáo trộn gây kích thích mô tuyến vú phát triển.

 

Bác sĩ Phạm Hùng Cường, Phó khoa Ngoại 2 Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết không chỉ bé gái mà ở bé trai cũng xảy ra những biến đổi bất thường tuyến vú trong giai đoạn dậy thì.

 

Nội tiết tố nam được tiết ra từ tinh hoàn và tuyến thượng thận, khi nó tăng hay giảm đều gây ra những rối loạn cho cơ thể. Nữ hóa tuyến vú thường do rối loạn nội tiết ở nam giới, dẫn đến chứng ngực to xảy ra ở người trẻ. Nữ hóa tuyến vú cũng thường làm các bé trai bối rối và tưởng mình mắc bệnh hoặc xem đó như một sự kỳ quái.

 

Tuy nhiên, chỉ sau 6 tháng hoặc một năm, khi nội tiết ổn định, tuyến vú tự nhiên sẽ xẹp lại. Nếu không, có thể đến thày thuốc để được điều trị bằng thuốc chống nội tiết hoặc phẫu thuật để lấy mô tuyến vú thừa.

 

Khuyết tuyến vú do bác sĩ

 

Hương, một cô gái quê ở miền Trung, đến Bệnh viện Ung bướu TPHCM khám vì chỉ có một bên vú. Qua thăm khám, bác sĩ thấy một bên ngực cô phát triển bình thường, một bên không có vú nhưng có một vết sẹo nhỏ ở đầu vú. Hỏi kỹ nguyên nhân, bệnh viện mới biết một bên mầm vú đã bị cắt bỏ vì bác sĩ không phân biệt được khối u và sự phát triển tuyến vú ở bé gái.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, bé gái từ 7 đến 9 tuổi thường có một bên ngực phồng lên, hơi đau làm các bà mẹ lo sợ vì nghĩ rằng ở tuổi này, bé gái chưa dậy thì. Đây là hiện tượng xáo trộn nội tiết, chỉ gây ảnh hưởng một bên ngực chứ không phải dậy thì sớm, sau vài tháng sẽ hết. Vì vậy, các bà mẹ tuyệt đối không nên đắp dán thuốc làm viêm nhiễm vùng ngực gây sẹo xấu, hoặc làm tổn thương chồi vú.

 

Đối với bệnh nhân bị cắt oan một bên ngực nói trên, do lúc nhỏ ngực phát triển không đều, một bên ngực cộm hơn nên gia đình tưởng là khối u và thầy thuốc vô tình đã lấy đi chồi vú. Hiện cô gái này đã được các bác sĩ tạo hình tuyến vú bằng vạt mô sau lưng và đã lập gia đình. Cô chỉ có thể cho con bú ở một bên ngực còn lại.

 

Theo Người lao động