1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhóm máu ảnh hưởng thế nào đến mức độ nặng khi mắc Covid-19?

Cẩm Tú

(Dân trí) - Ngay từ khi bắt đầu đại dịch, các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm xem chính xác điều gì khiến một số người dễ bị Covid-19 nặng trong khi những người khác bị nhẹ hơn.

Và trong khi đã có một danh sách dài các yếu tố nguy cơ khiến bệnh trở nên nghiêm trọng, vẫn còn rất nhiều câu hỏi xung quanh việc nhóm máu có thể ảnh hưởng đến diễn biến của bệnh như thế nào.

Mới đây, một nghiên cứu đã tìm ra mối liên quan giữa mức độ nặng của Covid-19 với nhóm máu. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS Genetics, đã phân tích hơn 3.000 protein trong máu để tìm ra loại protein khiến Covid-19 nặng hoặc nhẹ hơn (các nhà nghiên cứu định nghĩa "bệnh nặng" là phải nhập viện, cần hỗ trợ hô hấp hoặc tử vong).

Nhóm máu ảnh hưởng thế nào đến mức độ nặng khi mắc Covid-19? - 1

Kết quả cho thấy một số protein trong máu có vẻ làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 nặng, bao gồm một protein quyết định nhóm máu. Bài báo viết "kết quả nghiên cứu không thể xác định chính xác nhóm máu nào làm tăng nguy cơ nhập viện do Covid-19". Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tìm ra chỉ dấu chỉ có trong nhóm máu A và B, và không có ở nhóm máu O.

Christopher Hübel, đồng tác giả nghiên cứu cho biết nhóm máu A đặc biệt đáng ngờ. "Vì nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng tỷ lệ nhóm máu A cao hơn ở những người dương tính với Covid-19, điều này cho thấy nhóm máu A có nhiều khả năng là ứng cử viên cho các nghiên cứu tiếp theo", ông nói.

Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về nhóm máu và nguy cơ Covid-19. bao gồm cả những gì bạn nên làm nếu có nhóm máu A hoặc B.

Tại sao nhóm máu có thể ảnh hưởng đến nguy cơ Covid-19?

Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên tìm thấy mối liên quan giữa nhóm máu và Covid-19. Một bài báo được xuất bản trên tạp chí Frontiers in Cellular and Infection Microbiology hồi tháng 11 cũng thấy rằng những người thuộc nhóm máu A (cùng với nhóm máu B) có nguy cơ bị nhiễm virus cao hơn, trong khi những người có nhóm máu O và AB có nguy cơ thấp hơn. Còn một nghiên cứu ban đầu từ Trung Quốc cũng cho thấy những người nhóm máu O có nguy cơ bị nhiễm Covid-19 thấp hơn, trong khi những người nhóm máu A có nguy cơ cao hơn.

"Đã có nhiều nghiên cứu về nhóm máu và nguy cơ Covid-19", BS Thomas Russo, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Đại học Buffalo ở New York nói. "Một số ít không ủng hộ mối liên quan này, nhưng đa số thì có. Nó thực sự đáng chú ý".

Các chuyên gia nói rằng có khả năng cho điều này. BS Amesh A. Adalja, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho biết: "Protein trong máu có thể tương quan với chức năng miễn dịch và phản ứng viêm".

Lý do chính xác của điều này vẫn đang được nghiên cứu, nhưng có một số giả thuyết. Một là nhóm máu O cung cấp cho bạn các kháng thể chống lại nhóm máu A và AB có thể làm giảm nguy cơ bị nhiễm SARS-CoV-2 thông qua một thụ thể đặc hiệu trên tế bào. Một lý do khác là nhóm máu A hoặc B "giúp tăng cường khả năng lây nhiễm virus vào tế bào".

Nhưng TS Vincent Millischer, Ph.D, một nhà nghiên cứu Viện Karolinska Instituet, nhấn mạnh rằng hiện tại tất cả chỉ là suy đoán. "Ngay cả khi chúng ta tìm ra mối liên hệ nhân quả giữa cả hai, chúng ta cũng không thể đưa ra câu trả lời về lý do tại sao lại như vậy".

Nhóm máu có ảnh hưởng đến khả năng mắc các bệnh khác không?

Có một số tiền lệ ở đây. Một nghiên cứu được công bố năm 1977 cho thấy những người có nhóm máu O dễ bị nhiễm vi khuẩn tả hơn, trong khi những người nhóm máu A ít bị hơn.

Một nghiên cứu khác công bố vào năm 1993 cho thấy những người nhóm máu O dễ bị nhiễm Helicobacter pylori (vi khuẩn gây loét dạ dày) hơn những người có nhóm máu A hoặc B do sự khác biệt về niêm mạc trong đường tiêu hóa. Và một nghiên cứu năm 2003 cho thấy rằng norovirus liên kết hiệu quả hơn với các kháng nguyên ở những người có nhóm máu O và A, nhưng không nhiều ở những người có nhóm máu B.

Một nghiên cứu được công bố năm 2005 cũng cho thấy mối liên quan giữa nhân viên y tế có nhóm máu O và giảm nguy cơ nhiễm SARS-CoV-1, loại virus gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS).

Nhóm máu ảnh hưởng đến nguy cơ Covid-19 nói chung như thế nào?

Điều này còn chưa rõ ràng, nhưng có một số yếu tố ảnh hưởng đến khả năng bị Covid-19 và bị Covid-19 nặng. Có nghĩa là, mặc dù nhóm máu có thể đóng một vai trò nhất định trong nguy cơ phát triển Covid-19 nặng, nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất hoặc thậm chí không phải yếu tố chính.

Tuổi tác là yếu tố quyết định mức độ rủi ro - nguy cơ tử vong tăng lên theo tuổi. Tuy nhiên, các bệnh lý nền như bệnh phổi, béo phì hoặc tiểu đường cũng đóng một vai trò nhất định.

Bạn nên làm gì nếu có nhóm máu A hoặc B?

Đừng lo lắng. Bất kể nhóm máu là gì, các phương pháp bảo vệ bản thân khỏi Covid-19 đều giống nhau. Điều đó có nghĩa là bạn hãy tiêm vaccine Covid-19 và tiêm nhắc lại khi đủ điều kiện, đeo khẩu trang và cố gắng hết sức để thực hành vệ sinh tay cẩn thận.

Tuy nhiên, nếu có nhóm máu A hoặc B, bạn nên xem xét lại cách nhìn nhận nguy cơ mắc Covid-19 nặng của mình. Nếu bạn có những nhóm máu này và đang do dự trong việc tiêm chủng, thì đây có thể là một lý do nữa khiến bạn nên làm điều đó.

Theo www.msn.com