Nhờ vít “tự tiêu”, phẫu thuật 1 lần duy nhất cho ca gãy xương cổ tay

(Dân trí) - Do vị trí gãy rất đặc biệt, nguy cơ biến chứng cao nếu phải mổ đi mổ lại nhiều lần, các bác sĩ bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chủ động ứng dụng thành công kỹ thuật kết hợp  vật liệu mới “tan trong cơ thể người” trong ca phẫu thuật khó này.

Ca phẫu thuật kết hợp xương bằng vít nén kim loại tự tiêu sinh học cho bệnh nhân là Nguyễn Tiến Đạt (27 tuổi) vừa được thực hiện thành công tại Đại học Y Hà Nội. Ca mổ có sự tham gia của PGS Chee Yu-Han-chuyên gia đầu ngành chấn thương chỉnh hình tại Singapore cùng các bác sĩ Bệnh viện ĐH Y Hà Nội thực hiện. Sau ca mổ, bệnh nhân đã ổn định cùng việc liền xương được đánh giá tốt.

Trước đó 4 tháng, bệnh nhân đã đi bó lá do đau cổ tay kéo dài mà không biết bị gãy xương. Tại bệnh viện ĐH Y Hà Nội, bác sĩ xác định ca gãy xương không có khả năng hồi phục, không liền xương sau gãy xương. Theo đó, bệnh nhân được chỉ định mổ để kết hợp xương. 

Theo TS. Đỗ Văn Minh, Phó khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao, BV Đại Học Y Hà Nội, thông thường các bệnh nhân phẫu thuật kết hợp xương sẽ dùng vật liệu kim loại là vít Herbert hoặc những vít cỡ nhỏ với đường kính 2.7 mm. Có 1 số nơi dùng kim cỡ nhỏ để mổ kết hợp xương. 

Tuy nhiên, đã có những trường hợp gặp biến chứng như trôi kim Kirschner (vì kim rất là trơn). Khi trôi kim sẽ có hiện tượng trồi ra, gây kích ứng, một số khác trôi lẩn trong phần mềm thì rất khó xác định để lấy ra. 

Còn nếu dùng vít có gen bắt vào xương sẽ khắc phục được nhược điểm trên nhưng khi vận động mạnh lại có thể gây đứt gãy, khiến việc rút vít khó toàn vẹn, thêm vào đó sẽ tàn phá rất ghê gớm phần chi thể đó....

Nhờ vít “tự tiêu”, phẫu thuật 1 lần duy nhất cho ca gãy xương cổ tay - 1

Mới đây, các bác sĩ bệnh viện ĐH Y Hà Nội đã phẫu thuật kết hợp xương bằng vít nén kim loại tự tiêu sinh học thành công cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, việc sử dụng vật liệu không tiêu, bệnh nhân thường phải thực hiện thêm một cuộc mổ để “rút đinh”.

Trong khi đó, vít tự tiêu sinh học được bắt vít vào xương và chỉ cần mổ 1 lần vào khớp, không gây ra hiện tượng gãy, trôi do vít sẽ bắt đầu quá trình “tan trong cơ thể” trong 2-3 tháng sau mổ và “biến mất” hoàn toàn trong 1-2 năm, tùy vào cơ địa từng người.

Giải thích về cơ chế “tự tiêu” của vít kim loại,  TS Minh cho biết: “Vật liệu của vít tự tiêu là hợp kim của magie, với thành phần không phải magie đơn thuần và có khả năng tiêu trong 1 thời gian nhất định. Chất liệu này là thành phần cấu tạo nên vi chất của cơ thể người nên nó được cơ thể hấp thụ và được thải trừ, không ảnh hưởng đến quá trình thay đổi sinh lý hay là nội mô trong cơ thể”.

Nhờ vít “tự tiêu”, phẫu thuật 1 lần duy nhất cho ca gãy xương cổ tay - 2

Vít tự tiêu sinh học sử dụng chủ yếu trong các trường hợp gãy xương phạm khớp (gãy xương dạng khớp)

Được ứng dụng ở 40 quốc gia, vít tự tiêu sinh học sử dụng chủ yếu trong các trường hợp gãy xương phạm khớp (gãy xương dạng khớp) ở các vị trí như  khớp vai, khớp khuỷu, cổ tay, bàn, ngón tay, chi dưới có háng, cổ chân, ngón chân...

Phạm Oanh