1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhỏ thuốc bừa bãi, người trẻ bị thiên đầu thống

(Dân trí) - Dù có mẹ gần 70 tuổi đã bị mù cả hai mắt do bị bệnh Glôcôm (hay còn gọi là thiên đầu thống), nhưng chị Nguyễn Thu Minh (32 tuổi ở Đông Triều, Quảng Ninh) khi xuất hiện những cơn đau, nhức mắt thì lại không nghĩ đến nguy cơ giống mẹ…

Nhỏ thuốc bừa bãi, người trẻ bị thiên đầu thống - 1
Với bệnh nhân Glôcôm, dù điều trị nội khoa hay đã qua phẫu thuật vẫn phải thường xuyên tái khám theo lịch của bác sĩ để kịp thời phát hiện những diễn tiến xấu của bệnh, có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn

Dễ tái phát

Theo TS. Đào Thị Lâm Hường - Trưởng khoa Glôcôm, Bệnh viện Mắt TƯ, trường hợp của bệnh nhân này không phải là hiếm. Dân gian thường nghĩ bệnh thiên đầu thống chỉ gặp ở người già, nhưng thực tế, bệnh này cũng gặp khá nhiều ở lứa tuổi trẻ, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là tình trạng lạm dụng thuốc nhỏ mắt bừa bãi của nhiều bạn trẻ. Cứ thấy mắt đau nhức, có vấn đề là tự mua thuốc về tra mà không có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa. Nghiên cứu của Khoa Glôcôm, Bệnh viện Mắt TƯ năm 2009 thì bệnh nhân bị glocom đến viện khám và điều trị, số người có tiền sử tra corticoid tại mắt kéo dài chiếm 32%, trong đó số người trong lứa tuổi lao động (25-59) chiếm 63,1%. Đây là điều đáng báo động về vấn đề lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt trong cộng đồng.

Theo TS Hường, khi phát hiện glocom, nhiều người bệnh cho rằng chỉ cần trải qua một đợt điều trị, hết thuốc là không đi tái khám theo chỉ định của thầy thuốc, không theo đúng phác đồ. Vì thế, dù được đến viện điều trị nhưng nguy cơ tái phát rất cao. Qua theo dõi bệnh nhân glôcôm góc mở điều trị tại khoa, có tới 43% bệnh nhân có bệnh tiến triển nặng thêm.

Dù mù vẫn mất tiền điều trị chữa đau, nhức

Bệnh thiên đầu thống đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù loà ở hầu hết các khu vực trên thế giới, thường chỉ đứng sau đục thể thủy tinh. Bệnh này còn nguy hiểm hơn cả đục thủy tinh thể, đó là khi bị đục thủy tinh thể, người bệnh vẫn có cơ hội nhìn thấy ánh sáng sau khi phẫu thuật thay thủy tinh thể, còn người bị Glôcôm nếu đã bị mù thì sẽ mất thị lực vĩnh viễn không thể hồi phục.

“Đa phần người bệnh chỉ đến viện khi đau nhức mắt không thể chịu nổi, không nhìn thấy gì. Lúc này, dù điều trị cũng không lấy lại được ánh sáng cho người bệnh nhưng họ vẫn buộc phải điều trị để giải quyết tình trạng đau nhức mắt. Bệnh có các triệu chứng đặc hiệu như: đau nhức mắt, đau lan lên đầu cùng bên, có thể gây buồn nôn hoặc nôn, nhìn mờ, quầng xanh đỏ... Tuy nhiên có nhiều hình thái bệnh thiên đầu thống không có biểu hiện rõ ràng, không có hiện tượng tăng nhãn áp nên rất dễ bỏ qua”, TS Hường nói.

Vì thế, với những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh glôcôm, như những người trên trên 35 tuổi, những người ruột thịt của bệnh  nhân glôcôm, bệnh  nhân có tiền sử dùng corticoid kéo dài (tra mắt hoặc toàn thân), những bệnh nhân có bệnh toàn thân như: đái tháo đường, cao huyết áp ...khi có biểu hiện đau, nhức mắt dữ dội cần phải đến bác sĩ chuyên khoa mắt để kiểm tra. Khi đã được phát hiện bệnh, người bệnh cần điều trị theo đúng phác đồ, hướng dẫn của bác sĩ, đi khám lại theo đúng định kỳ để thường xuyên được kiểm soát diễn tiến bệnh, phòng nguy cơ tiến triển dẫn đến mù lòa. Khi đó, thị lực cũng không cứu được, nhưng người bệnh vẫn phải bỏ tiền ra điều trị mới khỏi được tình trạng đau, nhức mắt dữ dội.

Tại lễ mitting hưởng ứng Ngày Glôcôm thế giới (12/3), PGS.TS Nguyễn Như Hơn, Giám đốc BV Mắt TƯ cho biết, theo kết quả điều tra của Bệnh viện Mắt TƯ năm 2007 trên 16 tỉnh, thành ở người trên 50 tuổi, tỷ lệ mù loà chung chiếm 3,1%, trong đó khoảng 25.000 người mù do bệnh glôcôm, chiếm tỷ lệ 6,5%. Trong khi đó, rất nhiều người không biết gì về căn bệnh này. Theo điều tra năm 2008- 2010 của viện Mắt thì có tới 53% bệnh nhân glôcôm không hiểu biết gì hoặc biết lơ mơ về bệnh của mình. Có tới 95% người dân được hỏi cho biết: không nghe, không biết  hoặc biết rất lơ mơ về bệnh glôcôm...

Để nhiều người bệnh được tiếp cận với căn bệnh này, trong ngày 11/3, Viện mắt sẽ tổ chức tư vấn, khám, cấp thuốc miễn phí, tuyên truyền về bệnh glôcôm... cho người bệnh.
 

* Thừa Thiên - Huế: Khám, cấp phát thuốc và tư vấn miễn phí bệnh Glôcôm

 

Nhỏ thuốc bừa bãi, người trẻ bị thiên đầu thống - 2

Bệnh nhân đang được bác sĩ khoa Mắt, bệnh viện TƯ Huế khám và tư vấn

Nhằm hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh Glôcôm (12/3), trong hai ngày (từ ngày 11-12/3), tại phòng điều trị khoa Mắt, Khu Trung tâm Đào tạo và Khoa Mắt (Bệnh viện TƯ Huế) đã tổ chức chương trình khám, cấp phát thuốc và tư vấn miễn phí bệnh Glôcôm cho người dân.

 

Theo BS Phạm Như Vĩnh Tuyên, Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện TƯ Huế sẽ tư vấn cho khoảng hơn 150 bệnh nhân. Trong quá trình khám, nếu phát hiện bệnh nhân nào mắc phải một số bệnh khác thì các bác sỹ sẽ khám và cấp phát thuốc chữa và điều trị bệnh miễn phí. Kinh phí hoạt động chương trình được các tổ chức phi Chính phủ tài trợ.

 

“Chúng tôi thực hiện chương trình này nhằm đánh động với các bệnh nhân mắc phải bệnh Glôcôm, giúp họ có điều kiện đến trung tâm để khám chữa bệnh miễn phí. Đồng thời, cũng nhằm tuyên truyền tác hại và cách phòng ngừa bệnh Glôcôm đối với những người có độ tuổi trên 40 tuổi”, BS Phạm Như Vĩnh Tuyên cho biết thêm. 

Hồng Hải - Alăng Ngước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm