Nhiều trẻ sơ sinh bị yếu liệt chi vì sang chấn sản khoa

(Dân trí) - Thủ thuật hỗ trợ sinh sản kéo thai nhi ra khỏi cửa mình người mẹ ở những ca sinh khó của bác sĩ có thể khiến trẻ bị tổn thương hoặc đứt dây thần kinh. Nếu không được can thiệp phẫu thuật sớm, trẻ có thể sẽ bị yếu liệt chi suốt đời.

Chỉ ít ngày sau khi cậu con trai chào đời, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng, ngụ tại Gia Lai phát hiện cánh tay trái của bé gần như không cử động được. Tại bệnh viện địa phương, cháu được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân của tình trạng trên là do bệnh nhi bị liệt đám rối dây thần kinh. “Bác sĩ nói với gia đình tôi, bệnh của bé bình phục dần theo thời gian, song từ khi ra đời đến nay (bé T.Q.V. đã 26 tháng tuổi) tình trạng yếu liệt tay trái của bé không thấy dấu hiệu cải thiện.” Chị Hồng cho biết.

Không nỡ nhìn con sống cảnh đời tật nguyền, vợ chồng chị Hồng đã đưa con xuống bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM nhờ bác sĩ tìm giải pháp hỗ trợ. BS Đặng Khải Minh, khoa Chấn thương Chỉnh hình cho hay: “Bé V. được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng bàn tay trái còn co duỗi nhưng cánh tay không nhấc lên được. Ngay sau đó, bệnh viện đã tiến hành can thiệp phẫu thuật nối dây thần kinh bị đứt cho bệnh nhi. Tuy nhiên, so với những ca khác thì bé V. là trường hợp nhập viện trễ, để bình phục hoàn toàn là rất khó, đến nay khả năng vận động cánh tay trái của bé mới đạt khoảng 50% so với tay phải.”

Thủ thuật kéo thai nhi hỗ trợ sinh sản có thể khiến trẻ bị liệt đám rối dây thần kinh
Thủ thuật kéo thai nhi hỗ trợ sinh sản có thể khiến trẻ bị liệt đám rối dây thần kinh

BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM, cho biết, trong 5 năm qua tại đây đã tiếp nhận và can thiệp hơn 100 trẻ bị liệt đám rối dây thần kinh cánh tay. Phân tích chuyên môn của BS Trung Hiếu chỉ ra: “Sở dĩ trẻ bị liệt đám rối dây thần kinh cánh tay là do sang chấn sản khoa. Những trường hợp sản phụ sinh thường nhưng khó sinh, buộc các bác sĩ, hộ sinh phải kéo em bé ra ngoài.”

Cơ thể của trẻ còn non yếu, khi bị tác động bởi một lực kéo mạnh, nhiều trẻ sẽ gặp phải tổn thương đám rối thần kinh điều khiển vùng cánh tay. Dây thần kinh có tác dụng truyền tín hiệu điều khiển từ thần kinh trung ương, giúp vận động các cơ, nhưng khi thần kinh bị sang chấn sẽ làm gián đoạn hoặc mất hoàn toàn tín hiệu dẫn truyền của thần kinh.

Với những trường hợp nhẹ, trẻ có thể chỉ bị dãn dây thần kinh, việc hỗ trợ điều trị nội khoa kết hợp với vật lý trị liệu sẽ giúp khả năng vận động của bệnh nhi dần bình phục. Tuy nhiên với những trường hợp nặng, dây thần kinh bị đứt rời ra khỏi tủy sống thì cần phải can thiệp phẫu thuật nối lại dây thần kinh. Các bác sĩ sẽ tiến hành nối lại dây thần kinh hoặc cắt toàn bộ vùng dây thần kinh bị đứt, sau đó lấy một đoạn dây thần kinh từ đùi ghép lên để thực hiện chức năng dẫn truyền tín hiệu của cơ thể.

BS Đào Trung Hiếu cho hay, đây là một kỹ thuật khó, bệnh viện Nhi Đồng 1 mới triển khai thực hiện khoảng 5 năm qua. Trong số hơn 100 trẻ bị liệt đám rối dây thần kinh cánh tay đã phẫu thuật, tỷ lệ phục hồi trở lại bình thường lên đến 80%. Với những trẻ nhập viện trễ, dây thần kinh bị tổn thương kéo dài, khả năng bình phục sau mổ thường không đạt được như kỳ vọng.

Thời giàn vàng để thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhi bị liệt đám rối dây thần kinh cánh tay là lúc bé từ 3 tháng đến 12 tháng tuổi. Để hạn chế tối đa những sang thương, ảnh hưởng đến vận động của bé bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh sau khi sinh cần để ý khả nặng vận động của con. Nếu thấy trẻ bị yếu hoặc liệt chi, phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện để các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và có giải pháp can thiệp kịp thời.

Vân Sơn