1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiều trẻ nhỏ đến viện Da liễu TƯ vì bệnh... sùi mào gà

(Dân trí) - Trong khoảng hơn 2 tháng qua, nhiều trường hợp trẻ nhỏ được viện Da liễu TƯ gửi sang Viện pháp y để giám định xem có bị xâm hại tình dục sau khi được các bác sĩ ở bệnh viện chẩn đoán bị sùi mào gà.

Trẻ bị nhiễm bệnh do người lớn tiếp xúc với vùng bị bệnh rồi sờ vào trẻ
Trẻ bị nhiễm bệnh do người lớn tiếp xúc với vùng bị bệnh rồi sờ vào trẻ

Theo số liệu từ khoa Phẫu thuật laser, chỉ trong 3 tháng qua, đã có gần chục trường hợp trẻ nhỏ phải điều trị sùi mào gà đến từ nhiều địa phương ở các tỉnh phía bắc như Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình, Phú Thọ…. Điều đáng nói, những trẻ này đều rất nhỏ, mới chỉ 3-6 tuổi, thậm chí mới được 20 tháng tuổi. Những trẻ này đều có biểu hiện đặc trưng của bệnh sùi gà, đó là xuất hiện các tổn thương nhỏ bằng hạt đỗ, hạt ngô với số lượng từ 1 đến vài hạt ở vùng sinh dục.

Với những trường hợp là các trẻ gái (chiếm đa số), trước khi điều trị, các bác sĩ của khoa Phẫu thuật Laser sẽ gửi các bệnh nhi sang Viện Pháp Y để làm giám định xem có bị xâm hại tình dục không, còn màng trinh không… để quyết định hướng điều trị.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về tình trạng này, BS Nguyễn Thị Như Lan, Trưởng khoa Phẫu thuật laser, khẳng định: Mặc dù là bệnh lây qua đường tình dục nhưng rất nhiều trẻ em bị mắc bệnh này và ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Trước đây, trẻ đến viện nhiều vào trước, trong và sau dịp Tết nhưng nay là quanh năm. Nguyên nhân chủ yếu là do sự chủ quan trong chăm sóc trẻ nhỏ của người lớn và không loại trừ nguyên nhân do xâm hại tình dục.

Nhấn mạnh tới việc chăm sóc trẻ nhỏ, BS Như Lan cho biết: “Sau khi xác định trẻ bị sùi mào gà, chúng tôi sẽ khám cả bố mẹ và đa phần là trẻ bị lây bệnh qua người thân, chủ yếu là do tay người lớn chạm vào khu vực bị bệnh rồi lại chạm vào các vùng niêm mạc, bán niêm mạc trên cơ thể trẻ”.

Còn những trường hợp bố mẹ không có bệnh thì sẽ khó xác định nguồn lây hơn. Trước ý kiến cho rằng trẻ bị lây từ bỉm, BS Như Lan cho rằng điều này là thiếu căn cứ, ẩm thấp chỉ là môi trường làm sinh sôi nảy nở vi rút.

BS Như Lan nhấn mạnh, thường thời gian ủ bệnh của bệnh sùi mào gà kéo dài từ 2-9 tháng nên có thể trẻ đã tiếp xúc với nguồn lây từ trước đó rất lâu (lây qua đường sinh nở hay từ những người xung quanh mắc bệnh…).

Mặc dù việc điều trị bệnh sùi mào gà không khó nhưng do chỉ điều trị được triệu chứng, không thể tiêu diệt hết vi rút trong cơ thể nên bệnh rất dễ tái phát, nhất là khi sức đề kháng của cơ thể giảm.

Do đó, BS Như Lan cảnh báo: Mặc dù là bệnh lây qua đường tình dục nhưng bệnh do vi rút HPV gây ra nên cũng có thể lây qua tiếp xúc với vùng niêm mạc, bán niêm mạc, do đó cần phải hết sức cẩn thận trong quá trình chăm sóc trẻ nếu trong nhà có người từng mắc bệnh và bản thân người bệnh cũng cần có ý thức giữ gìn cho những người sống quanh mình như quan hệ tình dục mang bao cao su, rửa tay bằng xà phòng sau chạm vào vùng bị bệnh và kiêng khem càng lâu càng tốt sau khỏi bệnh (thường 6 tháng sau điều trị không xuất hiện đám tổn thương mới được coi là khỏi bệnh); đồng thời tránh để trẻ tiếp xúc với người lạ, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với vùng kín của trẻ….

Ngoài ra, khi thấy trẻ xuất hiện mụn ở các vùng niêm mạc, bán niêm mạc như bìu, âm hộ, miệng… hay thường xuyên có biểu hiện khó chịu ở các vùng này thì cần đưa trẻ đến ngay chuyên khoa da liễu để được khám và điều trị kịp thời.

Trần Phương