1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiều trẻ nhập viện sau tiêm Quinvaxem: Chỉ là phản ứng nhẹ

(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, điều tra về 32 trường hợp trẻ ở Tiền Giang phải nhập viện sau tiêm vắc xin Quinvaxem cho thấy, đa số các trường hợp nhẹ, là những phản ứng thông thường của vắc xin có chứa thành phần ho gà toàn tế bào.

10-50% có phản ứng phụ sau tiêm vắc xin Quinvaxem là bình thường 

Ngày 25/10, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức tiêm ngừa vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Sau tiêm đã có 32 trẻ bị phản ứng với biểu hiện sốt, sưng tấy, mẩn đỏ tại chỗ và đã được nhập viện theo dõi. Ngay trong tối 25/10, đa số trẻ đã được xuất viện và còn 6 trẻ đang được tiếp tục theo dõi. Trước sự cố này, Sở Y tế Tiền Giang đã ra quyết định tạm ngừng sử dụng vắc xin Quinvaxem trong đợt tiêm chủng thường kỳ (từ 25 - 26/10) trên địa bàn, đồng thời yêu cầu các địa phương theo dõi chặt số trẻ đã được tiêm ngừa vắc xin Quinvaxem trong ngày đầu tiêm chủng.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã nhận được báo cáo ngay về hiện tượng 32 trẻ có phản ứng sau tiêm phải nhập viện. “Sau khi phân tích kỹ lưỡng 32 trường hợp phản ứng phụ sau tiêm ở tỉnh Tiền Giang, chúng tôi thấy đa số các trường hợp đều có phản ứng phụ nhẹ gồm: phản ứng sốt nhẹ (38 - 38,5 độ C), phản ứng tại chỗ (sưng nóng đỏ đau, kích thích một chút). Đây là phản ứng nhẹ thông thường của vắc xin có chứa thành phần ho gà toàn tế bào. Theo WHO tỉ lệ này khá phổ biến sau khi dùng vắc xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào, tỉ lệ này có thể là trên 10%, thậm chí lên 50% các trường hợp sau tiêm. Như vậy đây là phản ứng nhẹ thông thường của vắc xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào”, GS Hiển khẳng định.

Cũng theo GS Hiển, vắc xin này cũng có thể gây phản ứng nặng hơn một chút, tím tái, co giật, tỉ lệ này chiếm rất nhỏ, là phản ứng phụ nhẹ, an toàn, không nguy hiểm đe dọa tính mạng.

PGS. TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sức khỏe các trẻ nhập viện sau tiêm vắc xin Quinvaxem đã ổn định. Theo báo từ địa phương và bệnh viện thì các trẻ này đều có biểu hiện sốt, đau tại chỗ, một số cháu sốt cao. Việc xuất hiện các biểu hiện sốt, đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc được coi là phản ứng khá thường gặp nhất là đối với các loại vắc xin có thành phần ho gà như Quivaxem cũng như vắc xin DPT có thành phần ho gà toàn tế bào.
 
Thêm 8 trẻ nhập viện sau tiêm Quinvaxem

Một trong số những trẻ nhập viện sau tiêm vắc xin Quinvaxem tại Tiền Giang (Ảnh: Hải Hành)

Mừng vì gia đình chú ý đến sức khỏe trẻ sau tiêm

Sau khi có quyết định của Chính phủ cho phép sử dụng lại vắc xin Quinvaxem trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã tiến hành rà soát các điểm tiêm chủng, thay đổi về quy trình tiêm chủng, quy định mỗi buổi tiêm chủng không được tiêm quá 50 trẻ, tập huấn lại cán bộ tiêm chủng… nhằm đảm bảo quy trình tiêm chủng được thực hiện chặt chẽ nhất, đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Để thực hiện việc tiêm trở lại vắc xin Quinvaxem, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát công tác sàng lọc trước tiêm chủng và các phản ứng sau tiêm. Đồng thời yêu cầu các địa phương cần thành lập các đoàn giám sát tiêm chủng tại địa phương mình, đảm bảo công tác tiêm chủng được an toàn. Đến nay, trong tổng số hơn 16.000 điểm tiêm chủng thì đã có 90% điểm tiêm chủng được kiểm tra đạt các yêu cầu về quy trình tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắc- xin, sinh phẩm y tế, quy trình tiêm chủng an toàn, giám sát các phản ứng sau tiêm.

Đến nay đã có một số địa phương đã thực hiện tiêm trở lại vắc xin Quinvaxem là Ninh Bình, Đà Nẵng, Tiền Giang…  và Tiền Giang là địa phương ghi nhận những trẻ nhập viện sau tiêm chủng.
Ông Phu cho biết, trong thời gian tới, các địa phương còn lại sẽ tiếp tục cho tiêm trở lại vắc xin Quinvaxem tùy thuộc vào lịch tiêm chủng của mỗi địa phương. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong tháng 11 này cũng cho tiêm trở lại vắc xin Quinvaxem trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.

“Trước khi tiêm trở lại vắc xin này, chúng tôi đã tiên lượng các nguy cơ phản ứng có thể xảy ra trong và sau quá trình tiêm chủng. Tuy nhiên không phải cứ có phản ứng là ngừng tiêm vắc xin vì ngừng hay không phải có hội đồng ở tỉnh và địa phương đánh giá”, ông Phu cho biết.

Vắc xin Quinvaxem cũng đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kiểm định độc lập tại phòng kiểm định trên thế giới vào cho kết quả an toàn, có hiệu quả trong phòng bệnh và khuyến cáo các nước sử dụng vắc xin để phòng bệnh cho trẻ.

Theo ông Phu, bên cạnh việc ngành y tế tăng cường giám sát tiêm chủng, Bộ Y tế cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ theo dõi diễn biến sức khỏe cua trẻ sau tiêm chủng, khi thấy trẻ có biểu hiện bất thường sau tiêm, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để được tư vấn hoặc theo dõi.
“Việc các trẻ sau tiêm chủng ở Tiền Giang bị sốt, sốt cao được gia đình nhanh chóng đưa vào viện là một tín hiệu tốt cho thấy người dân đã quan tâm hơn đến các phản ứng có thể gặp phải sau khi tiêm, cho vào viện theo dõi ngay khi có bất  thường. Đây cũng là điều đáng mừng khi việc giám sát, theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng đã được các gia đình đặc biệt chú ý”, ông Phu nói.

Hồng Hải