TPHCM:
Nhiều thành phố kích hoạt hệ thống chống dịch corona
(Dân trí) - Sáng 30 tết, nhiều Sở Y tế đã hợp khẩn, kích hoạt hệ thống chống dịch corona. Tại TP Hồ Chí Minh, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, hệ thống chống dịch của tất cả các bệnh viện công lập, tư nhân, bệnh viện quốc tế trên địa bàn đã được kích hoạt.
Đến viện khám khi có dấu hiệu, không tự ý xét nghiệm
Trước đó, từ ngày 23/1, Sở Y tế đã giám sát công tác phòng bệnh Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế, sân bay tân sơn Nhất. Tại đây đang triển khai 2 máy tầm nhiệt, kiểm soát tất cả các hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. Ngoài nhân viên tầm nhiệt, một nhân viên y tế được điều động thêm có nhiệm vụ quan sát nhằm phát hiện các dấu hiệu của bệnh nhân như ho, mặt đỏ… mời vào hỏi thăm sức khỏe.
Bên cạnh đó, các tờ rơi với nội dung phòng chống dịch cũng được phát cho hành khách khi làm thủ tục nhập cảnh. Mỗi ngày Tân Sơn Nhất có 2 chuyến bay đến và đi từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Để tăng khả năng kiểm soát đối với bệnh nhân đến từ vùng dịch, nhóm hành khách đáp chuyến bay từ thành phố Vũ Hán sẽ có cổng đi riêng, việc kiểm soát được thực hiện nghiêm ngặt nhưng không gây ảnh hưởng đến lộ trình của người được giám sát.
Sau khi 2 ca bệnh dương tính với virus corona được phát hiện, cách ly, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tất cả các bệnh viện trên địa bàn TPHCM đã kích hoạt hệ thống chống dịch để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Công tác phòng chống dịch tại địa phương đang được tập trung để phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, tránh nguy cơ phát tán ra cộng đồng.
Tại cuộc họp khẩn cấp, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, UBND thành phố giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của thủ tướng; giám sát tốt tại cửa khẩu; phối hợp với bệnh viện Chợ Rẫy trong việc theo dõi, điều trị cho các bệnh nhân. Tổ chức giáo dục sức khỏe cho người dân, chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở điều trị, trang thiết bị y tế, thuốc…
Virus corona là bệnh mới nổi, có tốc độ lây lan nhanh, bệnh chủ yếu tấn công vào nhóm những người có bệnh lý nền, giảm miễn dịch. Tuy nhiên nếu phát hiện, điều trị sớm người bệnh sẽ nhanh chóng bình phục, hạn chế tối đa nguy cơ tử vong.
BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế khuyến cáo, người dân cần nâng cao sức khỏe cá nhân, nhà cửa phải được thông thoáng. Dù là thời gian nghỉ tết nhưng tất cả các cơ sở y tế đều đảm bảo việc khám chữa bệnh cho người dân. Khi có nghi ngờ mắc bệnh như: sốt, ho, khó thở… người dân nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, tư vấn cụ thể, không nên tự ý đi thực hiện các xét nghiệm vì điều đó là không cần thiết.
Đà Nẵng họp khẩn bàn phương án phòng chống dịch viêm phổi lạ
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, ngày 14/1, hai trường hợp nghi ngờ đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam qua cửa khẩu cảng Sân bay quốc tế Đà Nẵng, ngành y tế thành phố đã xử lý kịp thời. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân âm tính với chủng virus corona.
Tính đến 10h ngày 24/1, Đà Nẵng chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới xuất hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc).
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, ngày 22/1, có chuyến bay từ Vũ Hán đến Đà Nẵng chở theo 218 hành khách. Hiện những vị khách này sẽ lưu trú tại Đà Nẵng đến hết ngày 25/1 và chưa có dấu hiệu gì. Từ ngày 30 Tết đến mùng 5 Tết, có 93 chuyến bay từ các tỉnh, thành khác của Trung Quốc đến Đà Nẵng.
Để phòng chống dịch bệnh, Sở Du lịch Đà Nẵng đã thông báo cho các khách sạn khi khách có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh thì báo về Sở Y tế.
Bà Hạnh đề nghị thành phố cần có đường dây nóng để các khách sạn kết nối với ngành y tế trong công tác phòng chống dịch.
TS.BS Lê Đức Nhân – Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, bệnh viện đã có quy trình tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân mắc viêm phổi cấp do virus corona.
Tuy nhiên ông Nhân cũng đề xuất thành phố bố trí một trung tâm hoặc một bệnh viện tách riêng để triển khai công tác điều trị nếu bệnh nhân tăng cao.
Đại diện Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cho biết, hiện nay đơn vị đã bố trí vị trí đỗ biệt lập cho các chuyến bay từ Vũ Hán đến.
“Khâu quan trọng nhất là giám sát tại các cửa khẩu, thực hiện quy trình phòng chống dịch chặt chẽ 24/24. Trung tâm kiểm soát bệnh tật của thành phố luôn phải đặt trong tình trạng báo động, để xử lý kịp thời”, chủ tịch Đà Nẵng nhấn mạnh.
Tại Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ, ngành y tế Cần Thơ đã bố trí máy kiểm soát thân nhiệt đối với các hành khách quốc tế đến Cần Thơ. Đặc biệt, chú ý đến các hành khách đến hay có quá cảnh qua các khu vực có nguy cơ hoặc đang xảy ra dịch bệnh.
Tại Bệnh viện đa khoa thành phố và Bệnh viện Lao và bệnh phổi thành phố, công tác ứng phó nếu phát hiện dịch cũng được chuẩn bị chu đáo. Các địa phương đều đã thành lập khu cách ly, phân công nhân sự sẵn sàng khi phát hiện dịch bệnh.
Ông Cao Minh Chu, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, sau khi nhận được công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, Sở đã ban hành công văn khẩn gửi đến các đơn vị y tế trên địa bàn.
Bệnh viện đa khoa thành phố và Bệnh viện Lao và bệnh phổi thành phố phải thành lập đội phản ứng nhanh nội viện và ngoại viện để sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới nếu phát hiện ca bệnh.
Ngày 24/01, UBND tỉnh Kiên Giang ra công văn hỏa tốc gửi đến các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn và phòng, chống dịch bệnh lây lan vào tỉnh Kiên Giang và cả nước nói chung, đồng thời thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung tăng cường thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng yếu.
Cụ thể, đối với Sở y tế, chỉ đạo tổ chức kiểm soát chặt chẽ hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu (đường bộ, đường thủy và đường hàng không), đặc biệt là Cảng hàng không Phú Quốc, nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tổ chức cách ly, quản lý kịp thời; có các phương án đáp ứng hiệu quả phù hợp với tình hình dịch.
Sở y tế, chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh triển khai công tác phòng chống dịch, đặc biệt là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm y tế huyện Phú Quốc, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Công an tỉnh, Sở Du lịch và các đơn vị có liên quan phối hợp với Sở Y tế trong công tác giám sát, theo dõi tình hình sức khỏe đối với người nhập cảnh đến lưu trú trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với người nước ngoài, trong thời gian 21 ngày tính từ ngày rời khỏi các nước vùng dịch theo quy định.
Sở Thông tin truyền thông, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền cho người dân về tình hình dịch bệnh, cơ chế lây lan bệnh; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các đơn vị kịp thời báo cáo tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona trên địa bàn tỉnh về UBND tỉnh, Sở y tế để theo dõi và chỉ đạo tốt công tác phòng chống dịch bệnh này.
Tại Hải Phòng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể thành phố, UBND các quận, huyện của Hải Phòng triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo công tác điều tra dịch tễ, lấy máu, bảo quản, vận chuyển mẫu để đảm bảo an toàn sinh học, chất lượng mẫu. Đảm bảo giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh trong vòng 14 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng. Chỉ đạo các bệnh viện tuyến thành phố, trước mắt là Bệnh viện Việt Tiệp, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng khu vực cách ly, phân khu điều trị, cơ số thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân…hạn chế thấp nhất mức độ lây lan của dịch bệnh; xây dựng phương án mở rộng điều trị trong trường hợp dịch lan rộng.
Các bệnh viện trên cần giám sát để cách ly ngay trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; đặc biệt chú ý khai thác tiền sử người bệnh từng cư trú hoặc đến từ thành phố Vũ Hán và vùng có dịch trong vòng 14 ngày. Kiện toàn các đội cấp cứu lưu động, đội phản ứng nhanh nội viện, ngoại viện sẵn sàng hỗ trợ đơn vị tuyến dưới. Sở Y tế Hải Phòng tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, giám sát, đánh giá việc chỉ đạo và công tác chuẩn bị sẵn sàng phòng, chống dịch tại các đơn vị, trước hết tập trung vào các nơi có cửa khẩu quốc tế; đề xuất kịp thời với UBND thành phố các biện pháp để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.
Theo đánh giá của UBND TP Hải Phòng, nguy cơ xâm nhập dịch bệnh này vào Việt Nam rất lớn thông qua khách du lịch, người lao động nhập cảnh từ thành phố Vũ Hán, và vùng có dịch về hàng ngày tại các cửa khẩu hàng không quốc tế. Đặc biệt, trong thời điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 có sự gia tăng đi lại giữa các khu vực, các quốc gia cùng với điều kiện khí hậu mùa đông xuân lạnh ẩm, rất thuận lợi cho tác nhân gây bệnh.
Trước đó liên quan đến dịch bệnh trên, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã phát đi thông báo tăng cường công tác phòng chống trên địa bàn tỉnh.
Vân Sơn - Khánh Hồng - Phạm Tâm - Nguyễn Hành - Hải Sâm