Nhiều nguy hiểm rình rập các bé trong ca sinh 5
(Dân trí) - Dù mang thai tự nhiên hay mang thai nhờ sự can thiệp của khoa học thì việc có nhiều thai cùng lúc sẽ rất nguy hiểm đến cả mẹ và bé. Hậu quả của sự “liều lĩnh” để đánh đổi lấy hạnh phúc được làm cha mẹ có thể sẽ phải trả giá rất đắt.
Được biết, sau khi lập gia đình 2 năm, sản phụ L.H.A.T. (28 tuổi, ngụ tại quận 5, TPHCM) vẫn chưa thể có con. Nhờ sự can thiệp bằng phương pháp kích thích buồng trứng và bơm tinh trùng vào tử cung của một đơn vị hỗ trợ sinh sản (không thuộc bệnh viện Từ Dũ), chị A.T. đã mang thai. Trong thai kỳ, thai phụ từng đến khám tại bệnh viện Từ Dũ và được chẩn đoán mang 4 phôi thai, tất cả đều phát triển khỏe mạnh.
Các bác sĩ đã nhiều lần tư vấn, đề nghị thai phụ và gia đình bỏ bớt phôi thai chỉ nên giữ lại một hoặc hai phôi khỏe mạnh nhất. Sau nhiều năm mòn mỏi chờ đợi và phải nhờ đến sự can thiệp của khoa học vợ chồng chị A.T. mới được hưởng hạnh phúc làm cha mẹ nên họ quyết định giữ lại tất cả phôi thai. Đến tuần 33,5 của thai kỳ chị A.T. có dấu hiệu chuyển dạ, gia đình nhanh chóng đưa chị đến bệnh viện Từ Dũ.
“Sản phụ liên tục xuất hiện những cơn gò, tim thai không nghe được, chúng tôi quyết định tiến hành can thiệp bằng thủ thuật mổ bắt con. Cả ê kíp thực hiện ca mổ và gia đình đều bất ngờ vì sản phụ cho ra đời cùng lúc 5 bé, nhiều hơn chẩn đoán ban đầu một bé. Khi áp dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản, khả năng mang đa thai rất phổ biến nhưng mang cùng lúc 5 trẻ thì rất hiếm khi xảy ra”, BS Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ cho biết.
Cũng bằng phương pháp kích thích phóng noãn, tháng 8/2011 tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định, sản phụ Lê Thị Việt Trinh (21 tuổi, ngụ tại An Giang) đã cho ra đời 3 bé gái và 1 bé trai. Kế đó, tháng 6/2012 tại bệnh viện Từ Dũ, sản phụ Trần Thị Tình (31 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp) mang thai tự nhiên đã cho ra đời 4 bé gái với cân nặng 1,5kg; 1,6kg; 1,2kg và 1,7kg. Chị Tình suýt đã phải đánh đổi cả tính mạng của mình vì bị tiền sản giật trong lúc vượt cạn.
Không lâu sau khi chào đời, để tránh nguy cơ mù vĩnh viễn 2 trong số 4 bé gái của vợ chồng chị đã phải chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1 phẫu thuật mắt vì chứng bệnh võng mạc. Thông tin từ anh Trần Hữu Đồng cho biết, hiện vợ chồng anh đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc cho các con. Sức khỏe của chúng đều không được như những đứa trẻ khác, chúng rất nhạy cảm mỗi khi trái gió trở trời. Bác sĩ còn lo lắng về các yếu tố như tâm thần, vận động của con tôi.
Dù sinh non nhưng mẹ con sản phụ A.T. đã may mắn vượt qua những nguy hiểm ban đầu như thai lưu, tiền sản giật, băng huyết… Song họ đang phải đối mặt với nhiều nguy hiểm như tình trạng suy kiệt cơ thể ở người mẹ sau sinh; chứng bệnh lý vàng da các bé đang gặp phải; hiện 2 trong số 5 bé bị suy hô hấp. “Chúng tôi lo lắng trước nguy cơ rất cao các bé có thể gặp phải như: Bệnh lý võng mạc mắt; câm điếc bẩm sinh; chậm phát triển về tâm thần vận động…”, BS Vũ Tề Đăng, Phó khoa Sơ sinh cho biết.
Biết trước những nguy hiểm luôn chực chờ mẹ con sản phụ mang đa thai, BS Huỳnh Thị Thu Thủy khuyến cáo: “Việc kích thích phóng noãn có thể khiến cả hai buồng trứng đều rụng, khả năng thụ thai rất cao. Mang đa thai là trường hợp thường gặp khi dùng các biện pháp hỗ trợ sinh sản, do đó sau khi thụ thai, thai phụ cần đi kiểm tra định kỳ để bác sĩ có những biện pháp can thiệp hỗ trợ hợp lý.
Với những trường hợp mang đa thai, cả mẹ và trẻ có thể gặp phải nhiều nguy hiểm. Chúng tôi luôn tư vấn rõ về các nguy cơ và khuyến cáo thai phụ cùng gia đình trước tuần thứ 8 nên bỏ bớt phôi thai chỉ giữ lại 1 hoặc 2 phôi khỏe mạnh. Hiện việc bỏ bớt phôi thai đã đạt được mức độ an toàn rất cao cho các phôi còn lại. Tuy nhiên quyết định bỏ hay không bỏ vẫn là do gia đình”.
Vân Sơn