1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiều bệnh nhân xơ gan vì thuốc điều trị quá đắt

(Dân trí) - Chi phí liên quan đến điều trị viêm gan C từ các xét nghiệm tải lượng vi rút, sinh thiết gan đến giá thuốc điều trị đều rất cao (khoảng 200 triệu/năm khiến nhiều người bệnh đành chấp nhận để xơ gan tiến triển mà không thể có tiền điều trị.

Một người bệnh, cả nhà phải gom tiền

Đó là thực tế của nhiều trường hợp mắc viên gan C đến ngưỡng phải điều trị, nhưng vì chi phí thuốc điều trị quá lớn nên họ đành chấp nhận sống chung với nó, chấp nhận sự tiến triển xơ gan ngày càng nặng hơn của căn bệnh này.
 
 Người bệnh viêm gan C điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: T.A
 Người bệnh viêm gan C điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: T.A
ThS Nguyễn Ngọc Phúc, Trưởng khoa viêm gan, bệnh viện Nhiệt Đới TƯ cho biết, tại khoa viêm gan hiện đang điều trị cho rất nhiều bệnh nhân bị viêm gan C. Một điểm khá tương đồng ở các bệnh nhân này là vào viện khi đã ở giai đoạn muộn, có biến chứng xơ gan và ung thư gan. Ngoài ra có nhiều trường hợp phát hiện bệnh đã ở ngưỡng phải điều trị nhưng không thể đủ mạnh về kinh tế để theo đuổi liệu trình điều trị.
 
“Số bệnh nhân viêm gan C nhập viện thời gian gần đây tăng nhanh. Trước kia, tại khoa mỗi tháng tiếp nhận chừng 5 - 7 bệnh nhân, thì nay trung bình mỗi ngày cũng có 3 - 4 người, tăng 10 - 20 lần so với trước”, BS Phúc nói.

Chị Phạm Thị Minh (Gia Lâm, Hà Nội), một bệnh nhân đang được điều trị viêm gan C, cho biết: “Khi cả hai vợ chồng mình biết mắc viêm gan C và kết quả xét nghiệm, chẩn đoán cho thấy phải điều trị để ngăn sự tiến triển mạnh thành xơ gan, cả hai vợ chồng đều đã rất sốc bởi tiền thuốc điều trị quá lớn, khoảng 200 triệu/người/năm chưa kể thuốc gây nhiều biến chứng khiến người bệnh mệt mỏi, sụt cân… nên trở thành người phụ thuộc, không tự lo cho mình được miếng cơm cũng như sinh hoạt hàng ngày”.

Trước nguy cơ tiến triển nhanh thành xơ gan, ung thư gan và một bên là chi phí điều trị quá lớn, lúc đầu chị Minh “tặc lưỡi” sống chết là do ông trời. Nhưng khi nghĩ đến đứa con nhỏ mới hơn một tuổi, chị lại ngậm ngùi… “Cuối cùng, mình đã bàn với chồng họp gia đình hai bên nội ngoại, mỗi người hỗ trợ một chút để đảm bảo hai vợ chồng có thể điều trị hết lộ trình. Vì nếu tự lực điều trị, rất dễ phải  bỏ ngang do gánh nặng tiền thuốc, khi đó lại trở nên công cốc, tiền thì mất mà bệnh khì không khỏi dứt điểm”, chị Minh nói.

Quyết tâm là thế, nhưng khi bước vào điều trị, nhiều lúc chị Minh cũng chùn chân. Bởi sau khi điều trị hai tháng với mỗi mũi tiêm một tuần chị đã sụt đến 14kg, người lúc nào cũng trong trạng thái mệt mỏi, chóng mặt, không ăn uống gì được và sau mỗi mũi tiêm lại bị sốt đến 2 - 3 ngày.

Theo BS Phúc, việc bệnh nhân này đã vượt qua được khó khăn về kinh tế để theo đuổi điều trị là quá may mắn so với nhiều bệnh nhân khác. Bởi tại khoa ông, rất nhiều bệnh nhân không có cơ hội điều trị, chấp nhận bệnh tiến triển thành xơ gan, ung thư gan. “Thuốc điều trị viêm gan C kết hợp với khả năng khỏi bệnh trên 80% thì chi phí rất đắt khoảng trên dưới 200 triệu (mỗi tuần tiêm 1 lần, kéo dài 6 tháng đến 1 năm). Thuốc gây rất nhiều biến chứng như: mệt mỏi, sốt kéo dài; suy giảm tế bào máu, suy thận, suy giáp… nên tổng chi phí điều trị cho người bệnh rất cao”, BS Lâm nói.

Nhiều khó khăn trong điều trị

BS Phúc cho biết, ngoài chi phí điều trị rất đắt thì 100% bệnh nhân viêm gan C điều trị phải chịu tác dụng phụ khi dùng thuốc. Vì thế, việc chỉ định điều trị viêm gan C rất ngặt nghèo, phải xét nghiệm rất kỹ trước khi quyết định điều trị cho người bệnh, tránh để người bệnh phải bỏ số tiền quá lớn cũng như đối mặt với tác dụng phụ của thuốc.

Cùng quan điểm này, BS Cao Thị Thủy, Trung tâm hỗ trợ sáng kiến cộng đồng, cho biết: “Thường người bệnh viêm gan C khi có dấu hiệu xơ gan bắt đầu cần điều trị. Lúc này, nếu không điều trị kịp thời, xơ gan sẽ tiến triển nhanh, phá hủy gan. Tuy nhiên trên thực tế, 20% người nhiễm viêm gan C bệnh tự lui mà không phải điều trị. Khoảng 80% người bệnh viêm gan C chuyển sang gan mạn tính, nhưng không phải tất cả chuyển sang xơ gan. Cho nên, nếu điều trị 1 bệnh nhân mà khi chưa chuyển sang xơ gan thì người bệnh phải chịu chi phí điều trị sớm và tác dụng phụ của thuốc. Hơn nữa, thuốc sẽ có đáp ứng tốt hơn nếu người bệnh bắt đầu có xơ hóa gan. Vì thế, các bác sĩ luôn cân nhắc rất kỹ trước khi chỉ định cho bệnh nhân”.

“Còn với bệnh nhân đã đến ngưỡng phải điều trị, thì cái khó khăn nhất chính là chi phí cho giá thuốc. Tôi đã tham gia quản lý 400 bệnh nhân thì chỉ có 40 người được điều trị. Việc điều trị viêm gan C đòi hỏi bệnh nhân phải quyết tâm trong từng tuần, từng tháng và tuân thủ điều trị nghiêm ngặt nếu không kết quả điều trị không có giá trị, thậm chí bệnh tiến triển nặng hơn, bỏ điều trị có thể nguy hiểm tới tính mạng.

“Chúng tôi luôn phải tư vấn rất rõ cho bệnh nhân, rằng họ có quyết tâm điều trị rồi nhưng có nguồn lực kinh tế hay không. Vì thời gian điều trị cho bệnh viêm gan C tùy thuộc vào tuýp vi rút mà phải kéo dài chu trình điều trị là 24 tháng hoặc 48 tháng, kéo theo đó là số tiền điều trị không hề ít với ước tính khoảng 180 - 200 triệu/người/năm”, BS Thủy nói.

Theo một bác sĩ điều trị, việc nhiều người bệnh viêm gan C đến ngưỡng phải điều trị nhưng không thể điều trị vì chi phí thuốc quá đắt, liên quan đến việc các thuốc viêm gan C chưa có trong danh mục bảo hiểm, trong khi thuốc điều trị viêm gan B là được chi trả. Việc BHYT chấp nhận thanh toán loại thuốc đặc hiệu viêm gan C sẽ giúp chia sẻ khó khăn với người bệnh, mang đến cơ hội được điều trị để giúp người bệnh giảm được nguy cơ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan.

 Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm