Nhiều bệnh nhân suy tim ở Việt Nam kém tuân thủ điều trị: Giải pháp ra sao?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo các bác sĩ, việc quản lý bệnh nhân suy tim ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như thiếu nguồn lực y tế, nhiều trường hợp kém tuân thủ điều trị, hệ thống quản lý chưa đồng bộ.

Tại hội thảo khoa học chủ đề "Quản lý bệnh nhân suy tim", diễn ra ngày 6/9 ở TPHCM, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết, quản lý bệnh nhân suy tim hiện nay là một vấn đề lớn trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, việc quản lý bệnh nhân suy tim đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, các bệnh viện và cơ sở y tế còn thiếu thốn về nguồn lực, thiết bị và nhân lực để đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng tăng của bệnh nhân suy tim.

Kế đến, nhiều bệnh nhân và gia đình còn thiếu hiểu biết về suy tim, dẫn đến sự tuân thủ điều trị kém. Bên cạnh đó, hiện tại nước ta chưa có hệ thống quản lý bệnh nhân suy tim toàn diện và đồng bộ trên cả nước.

Nhiều bệnh nhân suy tim ở Việt Nam kém tuân thủ điều trị: Giải pháp ra sao? - 1

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh chia sẻ tại hội thảo quản lý bệnh nhân suy tim (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo bác sĩ Khanh, để cải thiện tình hình quản lý bệnh nhân suy tim ở Việt Nam, một số giải pháp căn cơ có thể được áp dụng.

Thứ nhất, cần xây dựng các mô hình chăm sóc phối hợp giữa bệnh viện, cơ sở y tế và cộng đồng, để theo dõi và điều trị bệnh nhân suy tim một cách liên tục.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ số, như sử dụng telemedicine, các ứng dụng di động và các thiết bị theo dõi từ xa để cải thiện việc quản lý bệnh nhân, giúp theo dõi tình trạng bệnh nhân một cách liên tục và điều chỉnh điều trị kịp thời.

Thứ ba, tăng cường đào tạo cho đội ngũ nhân viên y tế về những tiến bộ mới nhất trong điều trị suy tim, đồng thời nâng cao nhận thức của bệnh nhân và cộng đồng về căn bệnh này.

Nhiều bệnh nhân suy tim ở Việt Nam kém tuân thủ điều trị: Giải pháp ra sao? - 2

Bệnh nhân điều trị tại khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Ảnh: Hoàng Lê).

Thứ tư, nhà nước cần xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính cho bệnh nhân suy tim, cũng như phát triển các chương trình quản lý bệnh mãn tính tại cộng đồng.

Thứ năm, khuyến khích nghiên cứu về suy tim tại các trường đại học, viện nghiên cứu và hợp tác quốc tế, để phát hiện và ứng dụng các phương pháp điều trị mới.

"Việc kết hợp các giải pháp này sẽ giúp cải thiện hiệu quả quản lý bệnh nhân suy tim tại Việt Nam, giảm tải cho hệ thống y tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân", bác sĩ Khanh nhận định.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hoàng Vũ, giảng viên bộ môn Nội, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, 3 mục tiêu chính trong điều trị nội khoa với bệnh nhân suy tim là giảm tỷ lệ tử vong, dự phòng tái nhập viện do suy tim mất bù và cải thiện triệu chứng, khả năng gắng sức, chất lượng cuộc sống.

Nhiều bệnh nhân suy tim ở Việt Nam kém tuân thủ điều trị: Giải pháp ra sao? - 3

Bác sĩ khám cho một bệnh nhân bị suy tim (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy).

Trong đó, phối hợp các thuốc điều trị nền tảng, lựa chọn thuốc tối ưu trong từng nhóm thuốc và cá thể hóa điều trị là xu hướng hiện nay.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Hữu Chinh, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cảnh báo, bệnh nhân suy tim dù có triệu chứng nhẹ vẫn tiềm ẩn sự tiến triển và nguy cơ đột tử cao.

Do đó, bệnh nhân cần được quản lý chuyên sâu, do bác sĩ nội tim mạch làm đầu mối, để có thể tối ưu hóa các điều trị nội khoa và chuyển bệnh nhân đi can thiệp chuyên khoa khi cần thiết.

Tỷ lệ tử vong sau 5 năm nhiều hơn nhiều loại ung thư

Thạc sĩ, bác sĩ Lý Văn Chiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ước tính tỷ lệ mắc bệnh suy tim hiện tại trên toàn cầu là 2,4% dân số (khoảng 200 triệu dân).

Theo một báo cáo từ năm 2010, chi phí điều trị dành cho bệnh nhân suy tim vào khoảng 108 tỷ USD (60% chi phí trong đó là do nằm viện).

Đáng chú ý, số lượng bệnh nhân suy tim liên tục tăng, tỷ lệ tử vong cao. Có 10-15% tử vong sau 1 tháng phát hiện bệnh, 20-30% tử vong sau 1 năm.

Và sau 5 năm chẩn đoán, có đến 40-50% bệnh nhân không qua khỏi, cao hơn nhiều so với các bệnh lý ung thư thường gặp như ung thư vú (cao hơn 10%), ung thư máu (30%) và ung thư đại trực tràng (34%).

Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh suy tim cần tuân thủ điều trị, dùng thuốc theo đúng liều lượng được yêu cầu hàng ngày và tái khám đầy đủ để được Bác sĩ theo dõi và điều chỉnh thích hợp.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, thói quen sinh hoạt lành mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm