Nhiều bệnh nhân chảy máu không rõ nguyên nhân: Nghi do nhiễm độc
(Dân trí) - Tính đến nay, đã có 9 bệnh nhân nhập Viện Huyết học và Truyền máu TƯ trong tình trạng bị xuất huyết kéo dài không rõ nguyên nhân. Đáng nói, sau khi điều trị, trở về địa phương, bệnh nhân lại tái diễn những dấu hiệu cũ.
Bệnh nhân N.V.H (51 tuổi, Lạng Giang, Bắc Giang) được chuyển đến Viện Huyết học và truyền máu TƯ trong tình trạng xuất huyện dạ dày, đại tràng dài ngày không đỡ. Không chỉ chảy máu dạ dày mà trên cơ thể người bệnh cũng xuất hiện nhiều nốt đỏ bầm, có vảy và dễ dàng chảy máu không thể cầm nếu những vảy trên da bị bong. Trước đó, tháng 8/2013 ông cũng phải nhập viện điều trị vì chảy máu dạ dày, chảy máu đại tràng kéo dài. Điều trị ổn định về nhà được hơn 1 tháng, ông lại xuất hiện các dấu hiệu tương tự nên phải vội vàng quay trở lại bệnh viện.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu TƯ cho biết, đây chỉ là 1 trong 9 bệnh nhân phải nhập viện điều trị trong thời gian qua vì chứng chảy máu kéo dài không rõ nguyên nhân.
Bác sỹ Ngô Hòa, Trung tâm Hemopholia, Viện Huyết học Truyền máu TƯ cho biết, các bệnh nhân đều đến viện trong tình trạng xuất huyết kéo dài (người xuất huyết đường tiêu hóa, người chảy máu chân răng, xuất hiện vết bầm tím nhiều dưới da…) không rõ nguyên nhân. Đáng nói, với trường hợp bệnh nhi này, không chỉ cháu có biểu hiện bệnh mà bố mẹ cũng bị các hiện tượng tương tự (mẹ thì bị vết xước da nhỏ nhưng chảy máu kéo dài không cầm, bố bị đỉa cắn cũng không cầm được máu).
Qua các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán, các bệnh nhân này đều bị thiếu yếu tố đông máu. Vì thế, hiện bệnh nhân chỉ điều trị bổ sung vitamin K để cơ thể tự tổng hợp yếu tố đông máu, có bệnh nhân phải truyền huyết tương.
“Vì tính chất này, chúng tôi nghi ngờ cả gia đình này cùng chung tiếp xúc với chất độc nên có hiện tượng chảy máu trên. Hơn nữa, cùng địa phương nhà bệnh nhi cũng có một số người xuất hiện tình trạng tương tự nên chúng tôi càng nghĩ nhiều đến khả năng có sự tiếp xúc với chất độc làm ảnh hưởng đến yếu tố đông máu của người bệnh”, BS Hòa nhận định.
Cùng quan điểm này, GS.TS Nguyễn Anh Trí nhận định: “Các bệnh nhân có cùng biểu hiện xuất huyết kéo dài không rõ nguyên nhân cư trú trên một địa bàn, thậm chí trong cùng một gia đình, sau một thời gian trở lại sinh sống tại địa phương lại tái lại các biểu hiện… là điều khiến chúng tôi nghĩ nhiều đến khả năng nhiễm độc một chất nào đó làm giảm yếu tố đông máu. Rất có thể, những bệnh nhân này đã cùng ăn, tiếp xúc 1 loại thuốc, 1 loại chất độc nào đó. Những chất này gây nên tình trạng thiếu các yếu tố đông máu trong cơ thể, vì thế dẫn đến hiện tượng chảy máu không cầm được”, GS Trí nói.
Ngày 11/12, viện Huyết học và Truyền máu TƯ sẽ phối hợp với Cục khám chữa bệnh, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai lên Bắc Giang tìm hiểu nguyên nhân, lấy cả mẫu đất, nước về xét nghiệm.
Không riêng gì tại Viện Huyết học và Truyền máu TƯ mà trước đó, ngày 12/11, khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhân bệnh nhân Lê Thanh T. (2 tuổi, ở Tiên Lữ, Hưng Yên) trong tình trạng chảy máu chân răng khó cầm và xuất hiện các bầm máu trên da vùng cẳng tay phải, vùng thắt lưng sau khi bị ngã hoặc va đập.
Kết quả cho thấy bệnh nhi bị rối loạn đông máu do thiếu các yếu tố đông máu và các yếu tố này phụ thuộc vitamin K. Trong khi đó, bình thường, những yếu tố này chỉ giảm khi bệnh nhân uống thuốc chống đông kháng vitamin K, hoặc rối loạn tổng hợp ở những bệnh nhân suy gan nặng. Tuy nhiên, khai thác trong tiền sử cháu bé không có các rối loạn đông máu trước đó. Trong khi đó, trước đó 2 tháng bệnh nhi này xuất hiện một đợt chảy máu chân răng, bầm tụ máu dưới da sau va đập tương tự lần bị bệnh này khiến các bác sĩ nghĩ đến một nguy cơ khác.
“Khi thác bệnh sử bệnh nhân, chúng tôi rất chú ý đến yếu tố, cùng thời điểm bé xuất hiện các biểu hiện trên trước đó hai tháng, gia đình bệnh nhi có sử dụng một loại thuốc diệt chuột có thành phần là Bromadiolone, đây là dẫn xuất của dicoumarol - một dược chất có tác dụng kháng đông máu. Chất này có thể dễ dàng xâm nhập cơ thể qua đường tiêu hóa (ăn uống) hoặc qua da. Lần xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng lần này cũng trùng với thời điểm gia đình bệnh nhi tiếp tục sử dụng loại thuốc chuột trên. Từ những cơ sở này, chúng tôi nghĩ đến khả năng bệnh nhi bị ngộ độc loại thuốc kháng đông trong thuốc diệt chuột”, bs điều trị cho biết.
Sau khi xác định tình trạng ngộ độc chất kháng đông trong thuốc diệt chuột, bệnh nhi này đã được điều bằng uống Vitamin K liều cao kéo dài. Sau 12 ngày điều trị cháu bé đã không còn xuất huyết, các xét nghiệm đông máu trở về bình thường và cháu bé được ra viện.
Các bác sĩ cho biết, đây là trường hợp thứ 4 khoa Huyết học lâm sàng tiếp nhận vì bệnh nhi ngộ độc chất kháng đông trong thuốc diệt chuột. Các bác sĩ lưu ý, thuốc diệt chuột có chứa thuốc kháng đông là một loại thuốc được sử dụng khá phổ biến và an toàn cho người. Tuy nhiên với những đối tượng nguy cơ cao và nhạy cảm như trẻ em thì cha mẹ phải hết sức thận trọng vì nó có thể gây những tai nạn do ngộ độc mà trường hợp xuất huyết của cháu bé trên là một ví dụ.
Đặc biệt, chất kháng đông trong thuốc diệt chuột có thể dễ dàng lây qua đường tiêu hóa, qua da nên việc sử dụng càng phải thận trọng, tránh sự tiếp xúc gần với trẻ. Những bệnh nhi ngộ độc chất kháng đông trong thuốc diệt chuột sau điều trị vẫn phải tiếp tục theo dõi định kỳ, bởi các chất kháng đông có thể lưu hành và có tác dụng trong cơ thể còn tồn tại lâu dài trong cơ thể.
Tú Anh