1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiều bệnh có thể chẩn đoán qua... ngửi

(Dân trí) - Từ bệnh tiểu đường, nhiễm trùng bàng quang tới suy gan, tâm thần phân liệt... đều có thể chẩn đoán được bằng cách ... ngửi

Hơi thở của người bị tiểu đường có mùi của
nước tẩy sơn móng tay
Hơi thở của người bị tiểu đường có mùi của nước tẩy sơn móng tay

Các bác sĩ cho biết hơi thở của người bị tiểu đường có mùi của nước tẩy sơn móng tay, trong khi người bị bệnh gan thở ra mùi cá sống.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Sensors, cũng giải thích rằng nhiễm trùng bàng quang khiến nước tiểu có mùi a mô ni ắc, còn rubella khiến mồ hôi có mùi lông gà mới nhổ.

Bệnh tâm thần phân liệt làm mồ hôi có mùi dấm và bệnh thương hàn khiến da “thơm phức” mùi bánh mì mới ra lò.

Cuối cùng, bệnh sốt vàng có thể khiến người bệnh tỏa ra mùi của cửa hàng thịt, còn bệnh tràng nhạc – một bệnh nhiễm trùng ở hạch – khiến bệnh nhân có mùi bia thiu.

Một bệnh nhân thậm chí còn tuyên bố rằng có thể “ngửi thấy” mùi ung thư của chính mình. Trên một diễn đàn mạng, Joanie cho biết khi chồng bà bị ung thư tiền liệt tuyến, và khi bà bị ung thư phổi, bà có thể ngửi thấy mùi ‘thối rữa”, mùi này biến mất khi ung thư được điều trị.

BS.George Preti, tại Trung tâm giác quan hóa học Monell ở Philadelphia, Mỹ cũng cho biết đã từng nghe nhiều bệnh nhân kể rằng họ nhận thấy mùi khó chịu khi ở quanh ai đó bị ung thư. Ông hy vọng phát hiện này có thể đưa tới những cách thức mới để chẩn đoán ung thư sớm hơn, nhất là với ung thư buồng trứng, căn bệnh thường chỉ được chẩn đoán khi đã quá muộn.

Theo BS. Preti, cơ thể chúng ta tiết ra nhiều chất hóa học là kết quả của quá trình chuyển hóa bình thường, nhưng tế bào ung thư lại có chuyển hóa rất khác, đồng nghĩa với việc chúng tạo ra những hóa chất khác và phát ra mùi khác biệt.

Những mùi này thường quá “kín đáo” đối với mũi người, nhưng những chú chó được huấn luyện có thể “ngửi” ra bệnh với độ chính xác tới 90%

Tuy nhiên, chó không phải là sinh vật duy nhất có khả năng phát hiện ung thư, các nhà khoa học tin rằng ruồi giấm cũng có khả năng này. Nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Konstanz, Đức thấy rằng mùi của tế bào ung thư có thể gây ra mô hình hoạt động đặc trung ở ăng ten của ruồi giấm. Họ hy vọng có thể phát triển loại “ăng ten” cho con người để phát hiện ra bệnh.

Một thiết bị khác sắp được đưa ra thị trường là chiếc “mũi điện tử” có tên BreathLink. Thử nghiệm cho thấy nó có thể phát hiện ung thư vú qua hơi thở của bệnh nhân. Kết quả có được trong vòng 10 phút và giúp bệnh nhân không phải chụp X quang.

Đồng thời, một công ty khác có tên Owlstone đang hy vọng đưa ra thị trường một thiết bị có thể ngửi thấy ung thư ruột.

Mới vài tuần trước đây, các nhà nghiên cứu tại Viện Karolinska, Thụy Điển, đã phát hiện ra rằng chúng ta có thể ngửi ra mùi của những người mà hệ miễn dịch đang hoạt động mạnh. Mùi này xuất hiện chỉ vài giờ sau khi tiếp xúc với vi khuẩn.

Thùy Linh

Theo DM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm