Nhiễm trùng nặng vì “bỏ quên” chân nhang 2cm trong lỗ rò tai

(Dân trí) - Bất ngờ bị cháu ngoại chụp tay khi đang ngoáy tai, chân nhang bị gãy, nằm trong lỗ rò luân nhĩ. Dù đã đến viện nhưng bác sĩ không tìm ra, khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng sau hơn 1 năm bị tai nạn.

Lỗ tai bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng vì cây tăm bỏ quên cả năm

Ngày 19/6, BS-CKII Võ Quang Phúc, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn, Bệnh viện Tai mũi Họng, TPHCM cho hay, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bị nhiễm trùng vành tai rất nặng.

Bệnh nhân là ông Trần Văn S. (73 tuổi, ngụ tại Long An) được gia đình chuyển tới trong tình trạng tai phải bị chảy mủ, ở vành tai trước và sau, bốc mùi hôi.

Nhiễm trùng nặng vì “bỏ quên” chân nhang 2cm trong lỗ rò tai - 1

Qua thăm khám và khai thác bệnh sử của bác sĩ từ bệnh nhân được biết, ông S. có lỗ “tai nhỏ” (lỗ rò luân nhĩ) bẩm sinh. Lỗ tai thường xuất hiện cảm giác ngứa, khó chịu nên bệnh nhân có thói quen dùng cây tăm ngoáy cho “bõ ngứa”.

Hơn 70 năm duy trì thói quen, ông S. không may gặp nạn, hơn 1 năm trước khi ông đang dùng cây tăm (chân của cây nhang) ngoáy tai thì bất ngờ đứa cháu ngoại chạy lại chụp tay ông khiến cây tăm gãy ngang trong tai.

Sau “tai nạn” ông bắt đầu có cảm giác khó chịu, vùng tai nhiễm trùng, chảy mủ nên đến bệnh viện địa phương kiểm tra. Tuy nhiên, sau nhiều lần thăm khám, các bác sĩ đều không phát hiện dị vật trong lỗ tai nhỏ của bệnh nhân. Ông S. đã phải sống chung với lỗ tai bị viêm nhiễm hơn 1 năm qua cho đến khi được người thân chuyển lên TPHCM điều trị.

Cây tăm dài gần 3cm được lấy ra từ lỗ tai phụ của bệnh nhân
Cây tăm dài gần 3cm được lấy ra từ lỗ tai phụ của bệnh nhân

Khi vào viện, tai phải của bệnh nhân có ổ áp xe chảy dịch mùi hôi, xì mủ, áp xe nặng, sưng nề. Sau khi điều trị tích cực về chuyên môn đẩy lùi tình trạng viêm nhiễm, BS tiến hành phẫu thuật lấy đường rò luân nhĩ.

Trong quá trình mổ, ê kíp phát hiện đường rò luân nhĩ của người bệnh có dị vật chính là cây tăm nhang dài 2cm. Đây là nguyên nhân làm tắc lỗ tai nhỏ gây viêm nhiễm đường rò, do dịch tiết ra không có đường thoát.

Nguy cơ từ lỗ rò bẩm sinh

Phân tích chuyên môn của BS Quang Phúc chỉ ra: Lỗ rò luân nhĩ là tình trạng vùng trước tai có lỗ nhỏ xuất hiện từ lúc mới sinh ra. Đây là dị tật bẩm sinh gây ra bởi sự hợp nhất không hoàn chỉnh dẫn đến những khiếm khuyết tạo nên đường rò trong giai đoạn phôi thai. Đường rò là dạng ống như lớp da cuốn phía trong có thể tiết mồ hôi, nước bã, lông, nguy cơ gây tắc, nhiễm trùng lâu ngày rất hôi.

Tần suất mắc dị tật có thể gặp phải từ 1,4% đến 2% ở nhóm người da vàng. Lỗ rò có thể xuất hiện ở nhiều vị trí như phía trên - phía trước - phía sau của vành tai; dái tai; dọc mặt sau của hố xoăn tai. Lỗ rò có thể xuất hiện ở 1 tai hoặc cả 2 tai của bệnh nhân. Độ nông sâu, phức tạp của lỗ rò của mỗi người bệnh có mức độ khác nhau.

Sau phẫu thuật tình trạng nhiễm trùng vùng tai đã được đẩy lùi
Sau phẫu thuật tình trạng nhiễm trùng vùng tai đã được đẩy lùi

Ước tính khoảng 70% đến 80% bệnh nhân sẽ gặp phải những biến chứng viêm nhiễm khó điều trị. Những biến chứng thường không gây ảnh hưởng đến thính lực nhưng áp xe sâu, ăn lan vào tai nguy cơ biến dạng vùng sụn vành tai, để lại sẹo gây mất thẩm mỹ.

Để hạn chế nguy cơ biến chứng có thể xảy ra, bác sĩ khuyến cáo, những trẻ không may mắc dị tật bẩm sinh nêu trên, phụ huynh nên chủ động can thiệp lấy bỏ hoàn toàn đường rò cho bệnh nhân, tuy nhiên tỷ lệ tái phát lỗ rò có thể xuất hiện từ 1% đến 45%.

Nếu không chủ động phẫu thuật, khoảng 30% người bệnh sẽ sống chung với lỗ rò, không phải đối mặt với biến chứng. Tuy nhiên, người bệnh cần giữ vệ sinh sạch sẽ, tuyệt đối không day ấn hoặc dùng cây tăm, các vật dụng khác chọc ngoáy lỗ rò để tránh tổn thương gây bội nhiễm, nhiễm trùng. Trường hợp xuất hiện những bất thường tại lỗ rò, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần đến bác sĩ chuyên khoa để được khám, có giải pháp can thiệp, điều trị sớm.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm