DMagazine

Nhát cắn đoạt mạng: "Chết oan" vì chó thả rông, thú cưng hóa điên phản chủ

(Dân trí) - Giữa tháng 11, một người đàn ông sống tại Hưng Yên đã tử vong do bị chó thả rông cắn. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua cũng liên tiếp ghi nhận những trường hợp cấp cứu vì chó nhà "hóa điên".

Nhát cắn đoạt mạng: Chết oan vì chó thả rông, thú cưng hóa điên phản chủ - 1

Như mọi ngày, buổi sáng trước khi đi làm, bà L. và người em là bà N., (đều đã hơn 70 tuổi), sống tại Hà Nội lại xích chó vào cổng để giữ nhà.

Tuy nhiên lần này, con chó mà các bà đã nuôi được 5 năm bất ngờ bị tuột xích và "nổi điên" lao vào tấn công chính người chủ của mình.

Bị chiếc xe đạp chắn ngang trước lối đi, bà L. và bà N. không thể vào phòng tránh nạn và hứng trọn đòn tấn công của con chó dữ.

"Con chó cắn vào tay tôi vừa kéo, vừa nhay từ cổng nhà vào tận bếp, máu chảy rất nhiều. May mắn là hôm đó chị tôi không đi làm đồng trước tôi như mọi hôm, nên mới xông vào ứng cứu kịp thời, giải thoát tôi khỏi con chó dữ", bà N. nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng.

Sau khi bị chó tấn công, bà N. và bà L. vội rửa vết thương bằng xà phòng, sau đó cố men theo bờ tường ra ngoài đường được 15 mét thì hô hoán hàng xóm.

"Bà con làng xóm đến đều kinh hãi bởi vết thương do chó cắn trên người chúng tôi. Mọi người nhanh chóng lấy vải sạch ở nhà một người thợ may gần đó để bịt vào các vết thương, rồi lập tức đưa chúng tôi đến bệnh viện", bà N. kể.

Nhát cắn đoạt mạng: Chết oan vì chó thả rông, thú cưng hóa điên phản chủ - 3

Trước sức tấn công của con chó dữ nặng hơn 20kg, cơ thể của 2 bà cụ hứng chịu những tổn thương nặng nề. Tại thời điểm nhập viện, các bác sĩ xác định cả 2 bà đều bị gãy xương trụ.

Bà L. bị lộ cơ và lộ gân ở khu vực bị chó cắn. Trong khi đó, người em gái là bà N. bị tổn thương nặng hơn, bị lộ gân, cơ và cả xương, cấu trúc xung quanh vùng chó cắn bị dập nát nên việc điều trị rất khó khăn.

Cuối tháng 11, tại Phú Thọ cũng ghi nhận một trường hợp chó nhà "nổi điên" tấn công chủ.

Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã tiếp nhận một người đàn ông 72 tuổi đến viện trong tình trạng đau đớn vì các vết thương phức tạp chảy máu nhiều, mất cảm giác đầu ngón tay, không thể dang ngón tay cái.

Theo chia sẻ của người nhà, bệnh nhân bị chó nhà nuôi cắn từ phía sau, phải mất vài phút mới có thể ngăn cản sự tấn công của chó.

Đáng chú ý, tại thời điểm nhập viện bệnh nhân có các vết thương chằng chịt tại tay, vai, đùi, lưng, mông... trong đó nghiêm trọng nhất là vết thương tại cẳng tay trái kích thước khoảng 3x3cm, bờ nham nhở, lộ gân cơ, rỉ máu...

Nhát cắn đoạt mạng: Chết oan vì chó thả rông, thú cưng hóa điên phản chủ - 6

 Ngay sau khi vào viện, bệnh nhân lập tức được các bác sĩ cấp cứu chống sốc, giảm đau, băng bó vết thương, tiêm vaccine phòng bệnh dại và chuyển phẫu thuật...

Thậm chí, cuối tháng 8 vừa qua, tại Thanh Hóa, một người phụ nữ 64 tuổi đã bị chó nhà nuôi cắn tử vong.

Như Dân trí đã đưa tin, khoảng 21h30, ngày 28/8, bà D. (64 tuổi, trú thôn Sao Vàng, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa) đem thức ăn cho con chó pitbull của gia đình nuôi. 

Trong lúc cho ăn, bà D. vô tình đá đổ bát cơm, con chó lập tức tấn công. Do bà D. bị bệnh tim, tuổi cao, sức yếu, nên khi bị con chó tấn công, bà đã không thoát ra được. 

Bà D. được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó.

Theo một lãnh đạo xã Hoằng Phụ, con pitbull nặng khoảng 40kg, được con trai chủ nhà đưa về nuôi một năm nay. Cách hôm xảy ra vụ việc ít ngày, người con trai đi công tác xa nhà, bà D. phụ trách cho con chó ăn uống hàng ngày.

Nhát cắn đoạt mạng: Chết oan vì chó thả rông, thú cưng hóa điên phản chủ - 7

Giữa tháng 11, một người đàn ông 45 tuổi sống tại Hưng Yên đã tử vong do một lần bị chó thả rông cắn cách đó 2 tháng.

Cụ thể, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trường hợp này có địa chỉ thường trú tại thôn Duyên Ninh, xã Đình Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.

Khi đang làm nông tại trang trại của gia đình ở Hưng Yên, người này bị chó thả rông cắn vào mu bàn tay phải.

Tuy nhiên, sau khi bị chó cắn, bệnh nhân không đi tiêm phòng dại mà đi khám ở một thầy lang trong thôn. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán không phải bị cắn bởi chó dại.

Ngày 5/11, bệnh nhân lên sống cùng vợ, con tại phường Ngọc Thụy, Long Biên (Hà Nội). Trong quá trình ở đây, bệnh nhân không tiếp xúc với hàng xóm xung quanh.

Nhát cắn đoạt mạng: Chết oan vì chó thả rông, thú cưng hóa điên phản chủ - 9

3 ngày sau, người đàn ông này xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ, khó ngủ, khàn giọng, đau vai, tê bì dọc cánh tay theo vị trí vết cắn. Sau đó, bệnh nhân không ăn, không uống được, sợ gió, ánh sáng và khó thở.

Bệnh nhân nhanh chóng được người nhà đưa vào Bệnh viện Bạch Mai điều trị ngay trong đêm. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi cơn dại, lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để làm xét nghiệm.

Đêm 9/11, tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng, được chỉ định đặt nội khí quản. Sau khi được các bác sĩ phân tích bệnh nhân có tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong cao, người nhà đã xin đưa bệnh nhân về. Sau đó, bệnh nhân được đưa về Hưng Yên và tử vong.

Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho thấy, bệnh nhân dương tính virus dại.

Nhát cắn đoạt mạng: Chết oan vì chó thả rông, thú cưng hóa điên phản chủ - 11

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm toàn cầu có trên 10 triệu người bị súc vật (nhiễm hoặc nghi bị dại) cắn và khoảng 59.000 người tử vong vì bệnh dại. Các trường hợp tử vong được báo cáo chủ yếu thuộc vùng nhiệt đới.

Đến nay, chưa có loại thuốc nào có thể chữa được bệnh dại. Một khi triệu chứng xuất hiện, người nhiễm virus dại có khả năng tử vong gần như 100%.

Tại Việt Nam, thống kê trong 9 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận 40 ca tử vong do bệnh dại và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về bệnh dại.

Trong đó, tỉnh Bến Tre ghi nhận 12 ca tử vong do dại (tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2021), tỉnh Kiên Giang ghi nhận 5 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 ghi nhận 1 ca) và tỉnh Gia Lai ghi nhận 4 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 không ghi nhận ca tử vong). 

Theo báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, tổng kết trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo. Trong khi đó, để ngăn chặn bệnh dại lây sang người cần đạt tỷ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất 70% trong 2 năm liên tiếp. 

Nhát cắn đoạt mạng: Chết oan vì chó thả rông, thú cưng hóa điên phản chủ - 13
Nhát cắn đoạt mạng: Chết oan vì chó thả rông, thú cưng hóa điên phản chủ - 15

Theo BS Nguyễn Thị Mát - Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, vết thương do chó cắn được xếp vào nhóm vết thương nhiễm khuẩn. Vì răng của động vật chứa rất nhiều vi khuẩn đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh, nên việc xử trí sẽ khó khăn hơn và tiên lượng cũng dè dặt hơn. Bên cạnh việc phẫu thuật, xử trí vết thương còn cần điều trị dự phòng là tiêm chủng uốn ván, phòng dại.

Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đã từng tiếp nhận các trường hợp bị chó nhà nuôi tấn công dẫn với tổn thương nặng nề. Các nạn nhân chủ yếu là đối tượng yếu thế như người già, trẻ em.

Như trường hợp của bà L. và N. đã đề cập ở trên đều phải trải qua nhiều ca phẫu thuật để điều trị các tổn thương.

Đáng nói, vì bệnh nhân đã bị mất một số đoạn gân, cơ nên khu vực cổ tay sẽ khó có thể khôi phục lại khả năng vận động hoàn toàn như trước.

Bên cạnh đó, việc đối phó với bệnh dại cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho ngành y tế, bởi nhận thức của người dân về căn bệnh này còn rất hạn chế.

Nhát cắn đoạt mạng: Chết oan vì chó thả rông, thú cưng hóa điên phản chủ - 18

Theo nhận định của ThS.BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn - Trung tâm xét nghiệm Y sinh học lâm sàng và dịch vụ khoa học kỹ thuật (Viện Pasteur TPHCM), nhiều người bệnh tử vong vì không đi tiêm vaccine sau khi bị động vật cắn, cào, liếm lên vùng da bị tổn thương.

Kế đến, nhiều người thường nghĩ rằng chó, mèo đã tiêm phòng rồi thì không sao hoặc có thói quen theo dõi khi bị động vật cắn, nếu có vấn đề gì mới đến cơ sở y tế tiêm phòng. Đây là các quan niệm không đúng, vì vaccine khi dự phòng trên động vật chỉ làm giảm nguy cơ bị dại, mức độ cảnh báo thấp hơn nhưng không đảm bảo hoàn toàn.

Ngoài ra, việc tự ý điều trị bằng thuốc nam, hoặc đi lấy nọc, đắp lá cây, rắc ớt bột lên vết thương theo phương pháp dân gian cũng là những cách làm sai lầm, tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào cơ thể nhanh chóng hơn và nguy hiểm hơn là dẫn đến tử vong.

ThS.BS Anh Tuấn cho biết thêm, tâm lý sợ tác dụng phụ của vaccine dại cũng là một rào cản làm cho việc tiêm phòng sau khi phơi nhiễm bị hạn chế. Chuyên gia phân tích, trước đây khi vaccine còn được sản xuất bằng công nghệ mô thần kinh cũ, đã có trường hợp bị tai biến nên người dân đã truyền miệng nhau, dẫn đến tâm lý e ngại tiêm.

Tuy nhiên từ năm 2008, Việt Nam đã dùng vaccine theo công nghệ nuôi cấy tế bào, được kiểm tra với các quy trình chặt chẽ nên rất an toàn, kể cả ở phụ nữ mang thai, với tác dụng ngừa bệnh rất cao.

Nhát cắn đoạt mạng: Chết oan vì chó thả rông, thú cưng hóa điên phản chủ - 19

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe, tính mạng sau khi bị chó mèo, súc vật cắn người dân cần tuân thủ xử trí theo các bước sau:

- Rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

- Vết thương sau khi rửa bằng nước cần được rửa kỹ với cồn 70 độ hoặc cồn i-ốt, nếu có.

- Đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.

- Không nên đi lấy nọc, đắp thuốc nam, hoặc đắp lá cây, bã cà phê, ớt bột, nước ép, nhựa cây... lên vết thương.

- Không rạch hoặc làm dập nát thêm vết thương. Không nên khâu kín vết thương.

Để phòng chống bệnh dại, ngành y tế cũng nhấn mạnh, người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại định kỳ theo khuyến cáo của ngành thú y để phòng, chống bệnh dại.

Ngoài ra, không thả rông chó mèo, phải rọ mõm chó mèo khi cho ra đường; không đùa nghịch, trêu chó mèo. Thực hiện diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc dại trong khu vực ổ dịch.

Nội dung: Minh Nhật

Thiết kế: Thủy Tiên