1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chó nhà "nổi điên" tấn công, người đàn ông bị thương nặng phải cấp cứu

Minh Nhật

(Dân trí) - Theo chia sẻ của người nhà, bệnh nhân bị chó nhà nuôi cắn từ phía sau, phải mất vài phút mới có thể ngăn cản sự tấn công của chó.

Người đàn ông 72 tuổi, sống tại Phú Thọ, đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) trong tình trạng đau đớn vì các vết thương phức tạp chảy máu nhiều, mất cảm giác tê bì đầu ngón tay, không thể dang ngón tay cái.

Theo chia sẻ của người nhà, bệnh nhân bị chó nhà nuôi cắn từ phía sau, phải mất vài phút mới có thể ngăn cản sự tấn công của chó.

Đáng chú ý, tại thời điểm nhập viện bệnh nhân có các vết thương chằng chịt tại tay, vai, đùi, lưng, mông... trong đó nghiêm trọng nhất là vết thương tại cẳng tay trái kích thước khoảng 3x3cm, bờ nham nhở, lộ gân cơ, rỉ máu...

cho_can

Vết thương do chó cắn của nạn nhân (Ảnh: BVCC).

Ngay sau khi vào viện, bệnh nhân lập tức được các bác sĩ cấp cứu chống sốc, giảm đau, băng bó vết thương, tiêm vaccine phòng bệnh dại và chuyển phẫu thuật...

Các bác sĩ cho biết, việc xử trí vết thương là vô cùng phức tạp do bệnh nhân mất máu nhiều trên nền bệnh suy tim rung nhĩ. Vì vậy các y bác sĩ đồng thời phải cân bằng lợi ích với việc dùng chống đông tránh biến cố tim mạch.

Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, được chăm sóc tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương và có thể ra viện trong một vài ngày tới.

Thời gian vừa qua, trên cả nước xảy ra rất nhiều các vụ bị chó tấn công rất nghiêm trọng thậm chí tử vong do bị chó cắn.

Điển hình như trường hợp một người đàn ông 45 tuổi có địa chỉ tại Hưng Yên đã tử vong vì bệnh dại do bị chó cắn tại thời điểm 2 tháng trước.

cho_can

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC).

Cụ thể, người này bị chó thả rông cắn vào mu bàn tay phải khi đang làm nông tại trang trại của gia đình ở Hưng Yên.

Tuy nhiên, sau khi bị chó cắn, bệnh nhân không đi tiêm phòng dại mà đi khám ở một thầy lang trong thôn. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán không phải bị cắn bởi chó dại.

Đầu tháng 11, bệnh nhân phải nhập viện,  được chỉ định đặt nội khí quản. Sau khi được các bác sĩ phân tích bệnh nhân có tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong cao, người nhà đã xin đưa bệnh nhân về. Sau đó, bệnh nhân được đưa về Hưng Yên và tử vong.

Điều đáng nói, nhiều trường hợp bị chó cắn là chó được nuôi trong gia đình hoặc hàng xóm, thường ngày hay gần gũi và người nhà thường không có đề phòng nhiều với chúng.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo các gia đình nếu có nuôi chó cần nhốt, rọ mõm, tiêm phòng đầy đủ và có cảnh báo với người dân xung quanh.

Khi bị chó cắn cần theo dõi chó và ngay lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.