“Nhân lực ngành y đào tạo ấm ớ thì chết dân”!
(Dân trí) - Theo GS.TS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhân lực y tế là một đối tượng đào tạo hết sức đặc biệt, vì đối tượng tác động trực tiếp là con người.
“Nhân lực đào tạo ra mà ấm ớ thì chết dân và tôi chắc chắn, không trường nào lại muốn đào tạo nhân lực ngành y qua loa. Vì nếu không đạt chất lượng, sinh viên tốt nghiệp có tấm bằng đại học trong tay cũng không ai tuyển”, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ xung quanh câu chuyện về Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ mở ngành đạo tạo y dược.
Thưa ông, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) cho phép mở ngành đào tạo bác sĩ đa khoa, dược sỹ đại học và sẽ bắt đầu tuyển sinh trong năm tới, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Được biết, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ đã từng làm hồ sơ trình Bộ GD - ĐT đề nghị cho phép mở ngành đào tạo trình độ đại học ngành Y đa khoa và Dược học nhưng chưa được chấp thuận.
Trước đây, khi Bộ GĐ- ĐT cấp mã ngành đào tạo y dược cho một số trường ĐH, ngành y tế cũng rất băn khăn về chất lượng. Tuy nhiên sau khi Bộ Y tế và Bộ GD- ĐT phối hợp trong việc ban hành các tiêu chí cơ bản với một trường ĐH khi đào tạo mã ngành y – dược thì hơn 1 năm qua hầu không có trường nào đạt được các yêu cầu này.
Mới đây, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ lại đề nghị với Bộ GD - ĐT cho mở ngành đào tạo y dược vì đã chuẩn bị các điều kiện để mở ngành. Trên cơ sở đề nghị của Bộ GD – ĐT, Bộ Y tế đã cử cán bộ tham gia đoàn thẩm định. Về Luật, trường đủ tiêu chí thì không cấm mở. Về phía Bộ Y tế, nếu được cung cấp nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng Bộ Y tế sẽ đồng ý bởi nguồn nhân lực rất thiếu.
Kết quả thẩm định trường Đại học này có đủ điều kiện để mở ngành đào tạo trong lĩnh vực y dược không, thưa ông? Thực trạng thiếu nhân lực ngành y là như thế nào?
Được biết, sau khi xem xét Đề án cũng như kiểm tra các điều kiện cụ thể của trường tại cơ sở Bắc Ninh, đoàn thẩm định thống nhất trường cần bổ sung, hoàn thiện và làm rõ một số vấn đề liên quan đến các nội dung yêu cầu về chuyên môn như: đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, cơ sở thực tập tại trường, cơ sở thực hành ngoài trường và sự tham gia của các giảng viên cơ hữu chuyên ngành tại các cơ sở thực hành ngoài trường …
Đến nay, Bộ GD – ĐT đã cho phép trường Đại học này mở ngành đào tạo về y dược. Tôi cũng nghe lãnh đạo Bộ GD - ĐT trả lời trên truyền hình, trường này đã hoàn thiện các yêu cầu của đoàn thẩm định. Theo quy định hiện hành, việc xem xét và quyết định cho phép mở ngành đào tạo thuộc thẩm quyền của Bộ GD – ĐT.
Hiện ở nước phát triển tỷ lệ là là 30 bác sĩ/1 vạn dân, trong khi Việt Nam là 7,5 bác sĩ/1 vạn dân. Rõ ràng chúng ta đang rất thiếu nhân lực y tế. Chúng tôi ủng hộ việc mở rộng đào tạo nhưng quan trọng nhất là phải có được nguồn nhân lực có chất lượng.
Dư luận rất băn khoăn khi dự kiến tuyển đầu vào mã ngành y dược ở trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ từ 20 điểm, trong khi đó, các trường y dược công lập luôn là những trường top đầu với điểm trúng tuyển cao chót vót, 28 – 29 điểm mới đỗ. Ông đánh giá như thế nào về sự chênh lệch về chất lượng đầu vào có ảnh hưởng đến chất lượng điều đào tạo không, thưa ông?
Với đầu vào được xét tuyển từ 20 điểm chắc chắn sẽ có sự chênh lệch rất lớn về điểm số với các trường đào tạo y dược hàng đầu hiện nay là 28- 29 điểm cho 3 môn học. Tuy nhiên, tôi khẳng định thời gian tới, đầu vào các ngành y dược có thể mở rộng nhưng đầu ra thắt rất chặt.
Theo đó, sinh viên y khoa tốt nghiệp kể cả ở trường tư hay công lập đều phải thi chứng chỉ hành nghề. Bộ Y tế đã từng đề xuất về thi cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn nhưng Quốc hội chưa đồng ý, cho rằng thi cử mất thời giờ, chứng chỉ hành nghề chỉ cần cấp một lần.
Trên thế giới, chứng chỉ hành nghề 5 năm cấp 1 lần để luôn đảm bảo bác sĩ phải học, cập nhật kiến thức và đủ điều kiện sức khỏe. Sắp tới Bộ Y tế sẽ đề xuất lại việc thi chứng chỉ hành nghề và thi có định kỳ. Khi đó, ở các trường đào tạo y dược dạy hay không dạy, sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn phải trải qua kỳ thi chứng chỉ, đạt mới được hành nghề. Không đạt, dù cầm bằng đại học trong tay cũng không được hành nghề.
Ngay tại Trung Quốc, sau 5 năm được cấp bằng y dược nhưng không được hành nghề, phải trải qua thi đạt chứng chỉ hành nghề mới được khám chữa bệnh.
Nếu anh đào tạo không hay, không giỏi, chất lượng đầu ra của anh không đạt yêu cầu chắc chắn sinh viên ra trường không được tuyển dụng. Chính thị trường quyết định vấn đề chất lượng và trường nào đào tạo kém sẽ mất uy tín, không thể tiếp tục đào tạo.
Thưa ông, trên thế giới các nước đào tạo y khoa rất nghiêm ngặt. Như Mỹ, muốn học y dược phải tốt nghiệp một trường đại học mới được tham gia học y dược. Tại Việt Nam cho nhiều trường mở mã ngành đào tạo y dược có là liều lĩnh không, khi mà chúng ta chưa tiến hành được hậu kiểm?
Đào tạo y khoa đương nhiên nghiêm ngặt vì động đến sức khỏe nhân dân. Tại Việt Nam cũng đặt ra tiêu chí cơ bản để mở ngành học này và sẽ tiếp tục bổ sung thêm nhiều tiêu chí. Còn cách thức đào tạo mỗi quốc gia khác nhau, như ở châu Âu đào tạo 6 năm; Mỹ đào tạo 2 bằng, bằng đầu tiên là bằng riêng sau đó đào tạo thêm y học trong 4 năm.
Vấn đề là tổ chức đào tạo như thế nào để tạo ra người có khả năng làm việc được thực sự. Đó là đào tạo dựa trên năng lực, Bộ Y tế sẽ bắt đầu đào tạo trong thời gian tới. Trong thời gian tới khi áp dụng chứng chỉ hành nghề việc mở thêm ngành rất nhẹ nhàng bởi đã có công cụ kiểm soát chất lượng bác sĩ.
Tới đây Bộ Y tế có kế hoạch gì phối hợp với Bộ GD - ĐT để tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế? Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện trường không đạt chất lượng có đóng cửa, ngừng đào tạo không, thưa ông?
Hậu kiểm rất quan trọng, không chỉ riêng cho các trường ngoài công lập mà ngay trường công lập cũng phải có đánh giá định kỳ. Trước đây ta chưa từng hậu kiểm nhưng nay việc mở rộng nhiều cơ sở đào tạo, hậu kiểm là rất quan trọng.
Tới đây Bộ Y tế và Bộ GĐ- ĐT sẽ tăng cường hậu kiểm các trường công lập và tư thục đang được đào tạo ngành y – dược. Cơ sở nào không đáp ứng các yêu cầu, điều kiện Bộ Y tế sẽ kiến nghị cho ngừng tuyển sinh. Tôi tin Bộ GD – ĐT cũng ủng hộ phương án này. Nếu trường nào không ổn, không đạt các tiêu chí trong đào tạo phải đóng của là hoàn toàn bình thường. Bởi nhân lực ngành y đào tạo mà ấm ớ thì chết dân.
Xin cảm ơn ông!
Hiện cả nước có 22 trường cả đa ngành và chuyên ngành tham gia đào tạo trong lĩnh vực y dược. Trong đó có Đại học Kinh doanh và Công nghệ là trường ngoài công lập thứ 5 và là trường đầu tiên Bộ Y tế được tham gia thẩm định mở ngành đào tạo trong lĩnh vực y dược.
Hồng Hải (ghi)