1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhận biết dấu hiệu căn bệnh lây truyền qua "chuyện ấy" dễ nhầm với dị ứng

(Dân trí) - Là căn bệnh lây qua đường tình dục nhưng biểu hiện của giang mai lại khiến nhiều người nhầm lẫn với dị ứng hoặc bệnh da liễu. Các ban đỏ do giang mai gây ra nổi khắp người nhưng không gây ngứa, sau đó mất đi từ từ, để lại những vùng da loang lổ tăng giảm sắc tố.

Bác sĩ Đinh Hữu Nghị, Giám đốc Trung tâm đào tạo, chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, trong thực tế khám bệnh, giang mai và lậu là hai bệnh lây qua đường tình dục khá phổ biến, trong đó giang mai có tỉ lệ mắc cao hơn lậu.

Đáng nói, rất nhiều thanh niên trẻ dưới 20 mắc căn bệnh này vì không được hướng dẫn quan hệ tình dục an toàn.

Nhận biết dấu hiệu căn bệnh lây truyền qua chuyện ấy dễ nhầm với dị ứng - 1

BS Nghị cho biết, trước đây, giang mai còn được coi là bệnh tình dục bị lãng quên do một thời gian dài người ta gần như không gặp bệnh nhân giang mai; bệnh nhân giang mai không biểu hiện triệu chứng, chỉ được phát hiện qua sàng lọc khám sức khoẻ, xét nghiệm huyết thanh.

Tuy nhiên, ngày nay, bệnh nhân giang mai đến khám do có các triệu chứng lâm sàng rất dễ nhận biết như: nổi tổn thương trên da vùng sinh dục; các nốt ban đỏ nổi khắp người...

"Nhìn trên lâm sàng, các bác sĩ nhận ngay ra dấu hiệu của giang mai. Khi hỏi tiền sử, hầu hết bệnh nhân thú nhận có quan hệ tình dục không an toàn", BS Nghị chia sẻ.

BS Nghị chia sẻ thêm, trước đây nhắc đến giang mai là nhiều người khiếp sợ bởi bệnh nhân lở loét, tử vong. Tuy nhiên khi được điều trị bằng kháng sinh, tình trạng này được kiểm soát tốt.

Giang mai có nhiều thể khác nhau, gặp nhiều nhất là bệnh nhân biểu hiện trên người nổi những ban đỏ. Về lâm sàng, ban đỏ này không giống dị ứng nhưng nhiều bệnh nhân lại nhầm lẫn là dị ứng hoặc bệnh da liễu. Nhiều trường hợp khi đi khám chẩn đoán nhầm dị ứng, mề đay trong khi biểu hiện dị ứng, mề đay thường rất ngứa, xuất hiện nhanh, và khi biến mất không để lại dấu vết.

"Trong khi đó, ban đỏ do giang mai gây nên không ngứa, nổi lên chậm, mất đi từ từ, khi mất đi để lại những đám loang lổ, tăng giảm sắc tố", BS Nghị cho biết.

Các ban đỏ này gặp ở lòng bàn tay nhiều nhất, có vẩy ra bong xung quanh ban đỏ.

Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gặp ở mọi lứa tuổi, gặp nhiều ở thanh niên trên dưới 20 tuổi. Không chỉ lây truyền qua đường tình dục truyền thống, bệnh giang mai cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc đường miệng, khi vùng cơ quan sinh dục có những vết xước nhỏ mắt thường không nhìn thấy.

Bệnh giang mai nguy hiểm bởi gây nhiều biến chứng. Nếu người mẹ đang mang bầu nhiễm giang mai có thể gây sẩy thai liên tiếp, thai chết lưu... tuỳ vào lượng vi khuẩn thai nhận được, tuỳ vào sức đề kháng của thai nhi.

Có những trẻ khi sinh ra biểu hiện vàng da, da nhăn nheo, bụng chướng, gan lách to do nhiễm giang mai bẩm sinh.

"Vi khuẩn giang mai vào thần kinh, tuỷ sống làm tổn thương tuỷ sống khiến bệnh nhân có thể liệt, ảnh hưởng đến chức năng thần kinh, liệt hô hấp, não… có thể tử vong tuy nhiên đây là những biến chứng rất hiếm gặp. Ngày nay, nhờ phát hiện sớm, thuốc tốt bệnh nhân giang mai được kiểm soát tốt", BS Nghị cho biết.

Theo đó, việc điều trị giang mai rất đơn giản bằng phác đồ điều trị của từng giai đoạn bệnh, mỗi một giai đoạn bệnh có liều lượng, thời gian, số lần dùng khác nhau. Tuy nhiên đặc thù điều trị giang mai phải tiêm, nên tuyệt đối người bệnh không tuỳ tiện điều trị, có thể gây sốc thuốc nguy hiểm. Liều lượng thuốc, số lần tiêm cần phải theo sự kiểm soát, chỉ định của bác sĩ.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm