1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhạc sĩ Vinh Sử: Đứt ruột vẫn hát

Nhà nhạc sĩ Vinh Sử là một căn hộ thuê nằm lọt thỏm cuối con hẻm nhỏ xíu của quận 7, TP.HCM. Diện tích vỏn vẹn vài mét vuông chỉ đủ chứa một cây đàn guitar, vài tập nhạc, và người nhạc sĩ đã 69 tuổi một thời được mệnh danh “vua nhạc sến”.

  

Nhạc sĩ Vinh Sử ôm đàn đãi khách.

Nhạc sĩ Vinh Sử ôm đàn đãi khách.

 

Đôi tay run run lần giở từng bản nhạc giấy đã ố màu được cất kỹ trong một chiếc túi nilông, bằng giọng khàn khàn nhạc sĩ chia sẻ: “Bệnh nó làm cuộc sống tôi thay đổi cả năm nay, muốn lấy cho cô xem một vài sáng tác mới mà tay không cầm nổi, đầu óc cũng quên đâu mất rồi”...

 

Bệnh nan y, khổ nan giải

 

Lại giọng nói khi rõ khi khàn, nhạc sĩ Vinh Sử tiếp tục trò chuyện về căn bệnh oái ăm bỗng dưng ập đến hơn một năm qua: “Trước khi bệnh, tôi khoẻ như vâm, 67 ký, làm nghề đóng giày ở quận 4. Mỗi ngày tôi có thể uống đến mười chai bia, ăn một lúc hai, ba đĩa beefsteak. Nhưng rồi tự dưng vào đầu năm ngoái cả mấy tháng trời tôi bị táo bón, điều trị hết bác sĩ này đến bác sĩ nọ cũng không bớt. Tôi lo lắng đi khám, nhờ bác sĩ nội soi. Kết quả đưa ra, tôi mới biết mình bị ung thư trực tràng. Bác sĩ bảo phải phẫu thuật gấp, chậm một ngày cũng không ổn. Hôm trước có kết quả, hôm sau tôi nhập viện mổ luôn. Ca phẫu thuật mất bốn tiếng đồng hồ, khúc ruột bị ung thư được cắt đi. Hai tháng trời sau phẫu thuật, tôi phải mang túi phân một bên hông, chỉ quanh quẩn suốt ngày trong nhà”.

 

Sau phẫu thuật, nhạc sĩ Vinh Sử phải trải qua thêm tám tháng trời để vô thuốc, điều trị triệt để, ngăn ngừa sự di căn của khối u. Nhưng giải quyết xong túi phân bên ngoài cơ thể, ông lại gặp khó khăn khác: “Tôi ăn không được, nhưng cố gắng thử sức từ từ. Khổ nhất là chuyện đi ngoài. Mỗi lần đi phải mất bốn, năm tiếng đồng hồ ở trong nhà vệ sinh. Có hôm tôi đang sáng tác thì bụng dạ “biểu tình”, nhưng ngồi mãi chẳng thấy động tĩnh gì, vậy là ra tiếp tục công việc. Khi cảm hứng được lấy lại thì bụng lại đau... Sáng tác của tôi cứ bị đứt khúc. Cuộc sống của tôi từ khi có bệnh như một vở hài kịch, khóc cười xen kẽ vậy đó”.

 

Từ người đàn ông to cao, nhạc sĩ Vinh Sử giờ chỉ nhỉnh 50 ký, tay chân lúc nào cũng run rẩy, đi đứng không vững. Khổ nhất là chuyện phải gắn với nhà vệ sinh mỗi ngày. Ông kể, có hôm ông phải đóng kín cửa, trải giấy báo dưới sàn nhà nằm chờ “phản xạ tự nhiên” của cơ thể! Bệnh tật làm ông phải hạn chế những chuyến đi đây đó tìm cảm hứng với đồng nghiệp.

 

Vẫn sống với tiếng nhạc

 

Nhưng bệnh tật chỉ làm đứt đoạn chứ chưa thể dập tắt nguồn cảm hứng của một nhạc sĩ như Vinh Sử. Mặc dù đang đợi đến giờ vào nhà vệ sinh, nhưng ông cũng tranh thủ lấy đàn ra đãi khách đến thăm. Đôi bàn tay vẫn run, giọng nói vẫn khàn, nhưng ông cứ hát, cứ kể những câu chuyện tình của mình trong các nhạc phẩm Nhẫn cỏ cho em, Qua ngõ nhà em, Nhành cây trứng cá... Âm nhạc chính là nguồn duy trì sự lạc quan trong con người nhạc sĩ bấy lâu.

 

Nhìn quanh căn hộ nhỏ, thấy dường như chỉ có mỗi mình nhạc sĩ cô quạnh bao năm qua. Vinh Sử thổ lộ: “Tôi có sáu người con nhưng chúng trưởng thành, có gia đình, ra riêng, thỉnh thoảng qua lại thăm tôi. Tôi khó tính lắm, chẳng thích ở cùng ai, ở một mình là thoải mái nhất. Đặc thù của bệnh tật lắm khi làm cho nhà cửa bốc mùi, nên tôi quyết định sống riêng. Có người vợ cũ mỗi ngày cũng qua thăm, dọn dẹp, mua thức ăn cho tôi. Nhưng tôi vẫn còn khoẻ, còn lo được cho mình. Bác sĩ nói rồi, chứng đi ngoài khó của tôi đã thành mãn tính, cứ vài ba ngày lại tái phát. Tôi làm cho cơ thể mình dễ chịu hơn bằng cách đi bộ tập thể dục, uống nhiều nước, hạn chế bia bọt, thuốc lá, chỉ ăn rau quả, thức ăn nhiều chất xơ. Sống kiêng một chút thì những sáng tác may ra không bị đứt khúc”. Nói xong, nhạc sĩ lại lôi đàn ra chơi. Ông đang lạc quan đón chờ đêm tri ân âm nhạc dành cho mình sẽ diễn ra tại Hà Nội giữa tháng 6 này.
 

Sự lạc quan cũng cần như chế độ ăn

 

Bác sĩ Lê Huy Lưu, khoa ngoại tiêu hoá bệnh viện nhân dân Gia Định (TP.HCM), người trực tiếp điều trị cho nhạc sĩ, cho biết: “Năm 2011, bệnh nhân Vinh Sử tìm đến bệnh viện, các bác sĩ nội soi và cho biết bệnh nhân bị K trực tràng. Sau đó, chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật cho nhạc sĩ. Sau khi mổ, để ngăn ngừa sự mở rộng của tế bào ung thư, bệnh nhân đã được hoá trị tám lần. Đến nay, bệnh nhân vẫn tái khám đều đặn, chưa phát hiện dấu hiệu di căn của tế bào ung thư. Những người từng phẫu thuật ung thư trực tràng hoặc có bệnh lý về trực tràng, hay gặp khó khăn trong vấn đề tiêu tiện. Để hạn chế, bệnh nhân nên ăn nhiều hoa quả, thức ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, tránh những chất kích thích, thực phẩm gây táo bón, luôn để tinh thần thư thái, lạc quan. Bệnh nhân cần được bác sĩ theo dõi qua ba, bốn năm để biết được diễn tiến của sức khoẻ”.

 

Theo Nguyên Cao

Sài Gòn tiếp thị