1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhà vệ sinh đang gây… mất vệ sinh

(Dân trí) - Mùi xú uế tại nhà vệ sinh công cộng, bệnh viện, trường học… khiến nhiều người nín tiêu, nhịn tiểu. Các loại cầu tõm, nhà vệ sinh “nghìn sao” là nơi phát sinh mần bệnh. Ngành y tế muốn tìm giải pháp đồng bộ hóa nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn nhưng chưa khả quan.

Ngày 15/5, trong Hội thảo “Tăng cường phòng chống dịch bệnh trước sự biến đổi phức tạp của các tác nhân gây bệnh do vi rút, vi khuẩn” do Cục Y tế Dự phòng tổ chức tại TPHCM, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1 đã nêu ra nhiều vấn đề liên quan đến thực trạng mất vệ sinh tại các nhà vệ sinh.

Câu tõm xả thẳng xuống sông là nơi tiêu tiểu chính của người dân miền Tây
Câu tõm xả thẳng xuống sông là nơi tiêu tiểu chính của người dân miền Tây

Nhà vệ sinh trong trường học không đảm bảo tiêu chuẩn, vệ sinh kém không được dọn dẹp, mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Thực trạng trên khiến nhiều học sinh nhịn tiêu, nhịn tiểu, không dám ăn nhiều, không dám uống nước khi ở trường để không phải vào nhà vệ sinh. Bí tiêu, bí tiểu ngoài ảnh hưởng đến chất lượng học tập còn để lại những hệ lụy không nhỏ cho sức khỏe.

Không chỉ riêng trường học, nhà vệ sinh công cộng, nhà vệ sinh tại các bệnh viện cũng trong tình trạng bốc mùi nồng nặc khiến người dân, người bệnh phải nín thở, cố để giải quyết cho xong sự bí bách của cơ thể. Bên cạnh đó, tình trạng cầu tõm, nhà vệ sinh “nghìn sao” tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, miền núi phía Bắc là mối nguy, đe dọa sự phát tán của các loại bệnh truyền nhiễm đặc biệt là dịch tả.

Nhà vệ sinh bẩn là nơi cư trú của nhiều tác nhân gây bệnh từ các loại vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm độc hại. Khi gặp điều kiện thuận lợi chúng sẽ phát tán vào không khí, lây lan qua các vật dụng, tay cầm nhà vệ sinh rồi theo bàn tay con người vấy nhiễm vào thức ăn, đi vào đường tiêu hóa gây bệnh.

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu cho hay: Hiện nay, tại nhiều địa phương việc thiết kế, xây dựng trường học chưa đi liền với xây dựng nhà vệ sinh. Thực tế kiểm tra cho thấy, một số trường có cơ sở hạ tầng kiên cố nhưng không có nhà vệ sinh. Nhiều trường có nhà vệ sinh nhưng lại khóa cửa, giáo viên cầm chìa khóa. Tình trạng không dọn dẹp nhà vệ sinh thường xuyên dẫn đến ô nhiễm, nặng mùi là vấn đề khá phổ biến.

Bên cạnh đó, tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ hiện vẫn còn nhiều “cầu tõm” xả thẳng xuống sông, kênh rạch… nhưng người dân lại sử dụng nguồn nước này để phục vụ sinh hoạt. Nhà vệ sinh tại các tỉnh miền Bắc thiết kế theo dạng 2 ngăn (dùng 1 ngăn để ủ phân cho chết trứng giun và ký sinh trùng trước khi bón cho cây trồng) nhưng hàng ngày người dân vẫn tiêu tiểu vào cả 2 ngăn nhà cầu, sử dụng phân sống bón cho rau màu. Đây là nguyên nhân phát tán, lây lan các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng.

Câu tõm xả thẳng xuống sông là nơi tiêu tiểu chính của người dân miền Tây
Bộ Trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong cuộc khảo sát ổ bệnh dịch tả (2014) tại huyện Bình Chánh, TPHCM

Để chấn chỉnh thực trạng trên, ngành y tế đang tính đến giải pháp đồng bộ hóa hệ thống nhà vệ sinh tại các trường học, định hướng xây dựng mô hình nhà vệ sinh hộ gia đình phù hợp với các vùng miền. Tuy nhiên, các giải pháp mới chỉ thực hiện đơn lẻ tại một vài khu vực hoặc vẫn là lý thuyết trên giấy.

Liên quan đến các loại bệnh truyền nhiễm, ông Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng Phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng cho hay: Từ tháng 5 đến tháng 9, thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủng vi rút gây bệnh truyền nhiễm phát triển và lây lan trên diện rộng. 

Có 10 loại bệnh truyền nhiễm thường gặp nhất trong 4 tháng hè bao gồm: Cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, ly trực trùng, sốt rét, viêm não vi rút, thương hàn, Adenovirut, lỵ amip. Đây là những bệnh lây truyền qua đường hô hấp, thực phẩm, lây qua tiếp xúc trực tiếp… Nguyên nhân của tình trạng trên là do sự tập trung đông người tại các điểm vui chơi, giải trí, du lịch; Học sinh, sinh viên từ các thành phố lớn về quê nghỉ hè cũng có thể mang theo mầm bệnh. 

Nhấn mạnh trách nhiệm phòng chống dịch bệnh nói chung và các bệnh truyền nhiễm nói riêng là nhiệm vụ không chỉ của ngành y tế mà là của toàn xã hội, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu kêu gọi: Mỗi gia đình, mỗi người dân hãy tự bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng bằng việc giữ gìn vệ sinh nhà cửa, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân sạch sẽ; thực hiện triệt để ăn chín uống chín; không xả thải, không phóng uế bừa bãi để ngăn chặn nguy cơ lây lan, phát tán bệnh dịch.

Vân Sơn 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm