Nguyên tắc xử trí vết thương phần mềm chảy máu

(Dân trí) - Tổn thương phần mềm thường xuất hiện sau khi tiếp xúc, bị tác động va đập mạnh trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra tại vùng tổn thương và có thể bị chảy máu.

 

Nguyên tắc xử trí vết thương phần mềm chảy máu


 

Đối với các trường hợp chảy máu ngoài

 

Cần đi găng tay khi xử trí, trách tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân. Nếu không có găng tay, cần dùng vải, gạc, quần áo sạch hoặc túi nylon để cách ly, tránh tiếp xúc trực tiếp khi sơ cứu.

 

Nên làm sạch vết thương nếu quá bẩn. Phải cầm máu tại chỗ càng nhanh càng tốt để hạn chế lượng máu của nạn nhân bị mất.

 

Cần theo dõi nạn nhân và chuyển ngay đến cơ sở y tế sau khi cầm máu.

 

Đối với các trường hợp chảy máu trong

 

Cần xác định nguyên nhân, hoàn cảnh bị thương tích nghi ngờ gây chảy máu trong. Phát hiện các dấu hiệu bất thường toàn thân của nạn nhân. Chống sốc cho nạn nhân và tìm mọi cách chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt.

 

Việc băng bó vết thương phần mềm chảy máu ngoài với mục đích bảo vệ và giữ sạch vết thương, tránh ô nhiễm từ bên ngoài, tránh cọ xát, va chạm, hạn chế mọi sự đau đớn cho nạn nhân; đồng thời phải cầm máu ngay vết thương. Nguyên tắc là dùng băng để băng kín và không bỏ sót vết thương, băng phải đủ chặt, không làm ô nhiễm vết thương do những sai sót kỹ thuật và nên băng càng sớm càng tốt.

 

Cần lưu ý đặt nạn nhân ở tư thế thoải mái và thuận tiện cho việc băng bó vết thương. Nên thao tác kỹ thuật sơ cứu ở phía trước hoặc phía bên của nạn nhân. Không được bôi thuốc, cồn trực tiếp vào vết thương hở đang chảy máu. Trước khi băng nên phủ một lớp gạc vô trùng hay gạc sạch và các nút buộc cố định băng không đè lên vết thương. Sau khi băng phải kiểm tra sự lưu thông của máu khoảng 10 phút một lần để bảo đảm máu có thể nuôi dưỡng phần cơ thể bị tổn thương ở dưới băng.

 

Nếu các tổn thương phần mềm không được xử trí kịp thời và đúng kỹ thuật sẽ có nguy cơ làm cho nạn nhân bị đau, sưng nề, hạn chế vận động, gây khó khăn trong sinh hoạt, dẫn đến hậu quả cứng khớp nếu kéo dài. Vết thương chảy máu nhiều nếu không được sơ cứu kịp thời có thể làm cho nạn nhân bị choáng và tử vong. Ngoài ra, nạn nhân cũng có thể bị nhiễm khuẩn tại chỗ vết thương và toàn thân.

 

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh