Nguy kịch vì chủ quan với cúm H1N1

(Dân trí) - "Hầu hết các ca cúm H1N1 bị biến chứng viêm phổi, suy đa phủ tạng là những bệnh nhân trẻ. Vì trẻ, khỏe, cho rằng bị cúm thông thường nên dù diễn biến nặng hơn cũng không đi khám", PGS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) cảnh báo.

Bệnh nhân Đ vẫn chưa qua nguy kịch vì biến chứng suy đa phủ tạng do cúm

Bệnh nhân Đ vẫn chưa qua nguy kịch vì biến chứng suy đa phủ tạng do cúm
 
Tại khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) hiện đang điều trị bệnh nhân Vũ Văn Đ. (35 tuổi, trú tại Bình Xuyên, Bình Giang, Hải Dương) bị biến chứng suy đa phủ tạng do cúm rất nguy kịch. Trước đó, anh Đ có biểu hiện hội chứng cúm từ ngày 1/11, sau 4 ngày tự mua thuốc uống không khỏi, bệnh trở nặng với các biểu hiện ho nhiều, đau ngực, khó thở tăng lên và được đưa đến bệnh viện tỉnh Hải Dương rồi được chuyển thẳng lên Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai ngày 7/11 trong tình trạng rất nặng, khó thở, tím môi và đầu chi. Kết quả chẩn đoán cho thấy 2 lá phổi bị mờ lan tỏa, suy 5 tạng và dương tính với cúm A/H1N1. Đến nay, bệnh nhân đã trải qua 14 ngày điều trị tích cực nhưng tình trạng vẫn còn rất nặng, bệnh nhân vẫn phải thở máy. Đây là ca thứ 3-4 được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực điều trị từ đầu năm tới nay.
 
Trước đó, ngày 14/11, tại tỉnh Bình Phước, một thai phụ 26 tuổi đang mang thai tháng thứ 5 cũng tử vong do nhiễm cúm A type H3 sau khi tự điều trị ở nhà hàng tuần không khỏi lại them ho ra máuCòn tại Khoa cấp cứu BV Bạch Mai, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ đầu năm tới nay có 2 ca tử vong do cúm mùa A/H1N1 ở độ tuổi 23 và 53, đều không có tiền sử bệnh lý đặc biệt nào. Đặc điểm chung của các ca bệnh này đều có biểu hiện ho, sốt nhưng sau vài ngày tự điều trị không khỏi, thấy khó thở (biến chứng tức ngực, suy hô hấp, viêm phổi nặng) mới bắt đầu đi khám.

Thực tế, các ca cúm A/H1N1 biến chứng nặng đều do đến viện quá muộn, mất đi “thời gian vàng” dùng Tamiflu là 3 ngày đầu khi có biểu hiện bệnh để ức chế sự nhân lên của vi rút trong cơ thể, giảm lượng vi rút trong cơ thể, làm bệnh diễn biến nhẹ hơn

TS.BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết: “Các chủng cúm đều tiến triển nhanh chứ không riêng gì độc lực mạnh hay yếu, kể cả cúm A/H1N1, cúm mùa hay H5N1, H7N1. Riêng với cúm đại dịch 2009 là cúm A/H1N1 đa phần là lành tính, tự khỏi chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ diễn tiến bệnh nặng lên. Tuy nhiên không vì thế mà người dân chủ quan, khi có biểu hiện cúm nên cách ly và đến viện khám để được tư vấn tốt nhất”.

Để phòng bệnh, cần thường xuyên  rửa tay bằng xà phòng; đeo khẩu trang nơi đông người, hạn chế tiếp xúc người nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính; thông thoáng phòng, lau chùi đồ vật, dụng cụ bằng các nước sát khuẩn thông thường, tăng cường nâng cao thể trạng bằng hoạt động thể dục thể thao. Những trường hợp có biểu hiện sốt, ho, đặc biệt là khó thở không rõ nguyên nhân nên đến sớm cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Có thể tiêm vắc xin cúm mùa (thường gồm 3 type cúm phổ biến của năm đó) trước mùa cúm là tháng 4 và tháng 10.

Hồng Hải