1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nguy hiểm từ hội chứng ‘trái tim tan vỡ’

Cơ chế chính xác gây ra bệnh vẫn còn được giới y học nghiên cứu.

Sau một chấn động tâm lý như mất người thân, mất việc, cãi vã, thảm họa tự nhiên..., một vùng cơ tim của người bệnh co bóp rất mạnh, trong khi đó một vùng khác lại hoàn toàn bất động.

“Trái tim tan vỡ” do chồng mất đột ngột

Khoảng đầu năm nay, BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM) tiếp nhận một bệnh nhân nữ khoảng 60 tuổi (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở nguy kịch. Trước đó, ở nhà bà có triệu chứng đau ngực trái dữ dội, vã mồ hôi nên được người nhà đưa đi cấp cứu và ngất xỉu ngay trên xe.

BV nhận định nguyên nhân ban đầu có thể do nhồi máu cơ tim cấp (NMCT). Tuy nhiên, tại khoa Tim mạch can thiệp, kết quả chụp mạch vành không ghi nhận hình ảnh cục máu đông gây tắc động mạch vành, cũng không có vị trí nào trên động mạch vành bị hẹp, chứng tỏ đây không phải do NMCT. Tiếp tục chụp thất đồ (buồng tâm thất trái), các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu của hội chứng trái tim tan vỡ (TTTV) khiến phần mỏm trái tim bất động hoàn toàn, trong khi đó phần đáy tim co bóp rất mạnh, dẫn đến choáng tim. Bệnh nhân bị ngất, ngưng tim, ngưng thở do sự co bóp đưa máu đến các cơ quan bị suy giảm trầm trọng.

Khai thác bệnh sử, chồng bà vừa mất do tai nạn giao thông, khi vừa lo chôn cất cho ông nhà xong và trở về nhà thì bà rơi vào tình trạng trên. Các bác sĩ nhận định cú sốc mất đi người thân đột ngột có thể là nguyên nhân gây nên hội chứng TTTV cho bà.

Một trường hợp khác cũng nhập BV này là người phụ nữ Pháp (70 tuổi, ngụ quận 2). Trong thời gian từ Pháp về Việt Nam thăm gia đình con trai, giữa bà và con dâu xảy ra căng thẳng khó giải quyết. Một buổi sáng, bà lên cơn mệt, nặng ngực, khó thở nên được người nhà đưa đi cấp cứu. Tương tự, kết quả chụp mạch vành không thấy máu đông, tắc hẹp không đáng kể, chứng tỏ không phải bị NMCT. Chỉ đến khi chụp thất đồ, các bác sĩ mới khẳng định bà mắc hội chứng TTTV.

Ghi nhận tại BV Chợ Rẫy, vào tháng 9-2016, BV này từng cứu sống một phụ nữ (45 tuổi, ngụ An Giang) bị hội chứng này. Bệnh nhân có tiền sử bị stress nặng do chuyện buồn gia đình, phải dùng thuốc an thần trong thời gian dài. Khi nhập viện đã hôn mê và thở máy. Tại đây, các bác sĩ nhận thấy phần mỏm tim của bệnh nhân phình to, vô động, còn vùng đáy tim thì tăng động. Đây là điển hình của hội chứng TTTV.

Bệnh nhân mắc hội chứng “trái tim tan vỡ” được điều trị tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: HN
Bệnh nhân mắc hội chứng “trái tim tan vỡ” được điều trị tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: HN
Nguy hiểm từ hội chứng ‘trái tim tan vỡ’ - 2

Hình ảnh miêu tả khi mắc hội chứng “trái tim tan vỡ”, cơ tim co bóp bất thường như chiếc bẫy bạch tuộc. Ảnh: HL

Vui quá hay buồn quá đều có thể bị bệnh

Theo BS Phùng Ngọc Minh Tấn, khoa Tim mạch can thiệp, BV Nhân dân Gia Định, hội chứng TTTV do BS Nhật Sato miêu tả lần đầu tiên vào năm 1990 và đặt tên là Takotsubo (nghĩa là chiếc rọ bắt bạch tuộc). Khi mắc hội chứng này, người bệnh có thể có các triệu chứng như đau thắt ngực, khó thở, ngất, thậm chí ngưng tim, ngưng thở, đôi khi rất khó phân biệt với NMCT.

Tại các nước Âu Mỹ, hội chứng này được đặt tên “broken heart” hay còn gọi là TTTV. Sở dĩ gọi vậy vì những ca đầu tiên được báo cáo đa số là những trường hợp nữ, sau một chấn động tâm lý đau buồn như mất người thân , tai nạn giao thông, thảm họa tự nhiên , hoảng sợ, cãi vã , mất việc ... Về sau người ta thấy các trạng thái tâm lý quá vui cũng có thể gây ra hội chứng này, từng có các ca trúng số độc đắc được ghi nhận.

Phụ nữ độ tuổi mãn kinh trên 55 tuổi mắc bệnh là chủ yếu, tỉ lệ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam gấp chín lần. Phụ nữ trên 55 tuổi có nguy cơ mắc bệnh này gấp năm lần so với phụ nữ dưới 55 tuổi.

Theo BS Tấn, hiện nay cơ chế chính xác gây ra bệnh vẫn còn được giới y học nghiên cứu. Một giả thuyết được nhiều chuyên gia chấp nhận là sự phóng thích ồ ạt các hormone catecholamine do các yếu tố stress về tinh thần cũng như thể chất dẫn đến một vùng cơ tim co bóp rất mạnh, trong khi đó một vùng khác lại hoàn toàn bất động. Điều này có thể kết hợp với rối loạn chức năng của các hệ thống mạch máu rất nhỏ nuôi tim, tắc nghẽn đường tống máu của tim làm trái tim suy giảm chức năng nhanh chóng.

Bệnh không hẳn lành tính

Theo các nghiên cứu quan sát từ thời điểm đầu tiên được mô tả (1990-2000), bệnh này khá lành tính, thường bệnh nhân sẽ tự phục hồi trong vài tuần, đa số sẽ trở lại trạng thái bình thường sau hai tháng.

Tuy nhiên, theo một thống kê tổng hợp mới nhất năm 2018, tỉ lệ tử vong của bệnh này trong 30 ngày là khoảng 5%, thậm chí lên đến gần 10% sau một năm theo dõi, tỉ lệ này tương đương với các bệnh nhân NMCT.

Năm 2018, các hội tim mạch của Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản đã thống nhất ra một khuyến cáo điều trị về hội chứng này. Tuy nhiên, bệnh này cho đến nay vẫn chưa có điều trị đặc hiệu mà chủ yếu vẫn là điều trị nâng đỡ triệu chứng, chờ cho trái tim bệnh nhân hồi phục.

Theo Hoàng Lan

Pháp luật TPHCM