Nguy cơ viêm nhiễm vì miếng dán làm mát cơ thể
Nhiều người đang ưa chuộng dùng miếng dán làm mát cơ thể khi chơi thể thao, hoạt động ngoài trời hoặc dùng cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các nhà chuyên môn thì không phải lúc nào nóng cũng có thể sử dụng cách làm mát này.
Vùng da dưới lớp dán sẽ có nguy cơ bị viêm da, viêm lỗ chân lông...
“Giải nhiệt” trong 10 tiếng đồng hồ
Bắt kịp tâm lý khó chịu trong thời tiết mùa hè nóng bức, trên thị trường mới đây xuất hiện một loại miếng dán được quảng cáo là có tác dụng làm mát cơ thể. Chỉ cần bóc miếng dán có kích thước nhỏ cỡ trong lòng bàn tay, dán vào vùng lưng, gáy hoặc trước ngực sẽ cho bạn cảm giác mát mẻ, dễ chịu tức thì ngay sau khi dán.
Miếng dán làm mát, theo những người bán hàng giới thiệu là đồ của Nhật, được khuyên dùng khi chơi thể thao hoặc hoạt động ngoài trời trong những ngày nắng nóng để giúp hạ nhiệt cơ thể. Hoặc thậm chí miếng dán còn giúp bạn có giấc ngủ ngon ngay cả khi nhà mất điện.
Sản phẩm được quảng cáo là hoàn toàn không có tác dụng phụ “vì nó là một chất gel có hoạt chất giữ lạnh, tác dụng từ khi dán vào da người”. Những người bán hàng thậm chí còn cam đoan sản phẩm có thể dùng được an toàn cho cả trẻ nhỏ.
Đặc biệt là tác dụng làm mát “thần kỳ” này còn có thể kéo dài trong suốt 10 tiếng đồng hồ, với hiệu quả làm mát tốt nhất trong 6 - 7 tiếng đầu sau khi dán. Sản phẩm được bán với giá 42.000 đồng một gói có hai hoặc ba miếng tùy theo kích thước miếng dán.
Không an toàn khi chơi thể thao
ThS. BS Nguyễn Văn Phú, trưởng khoa Y học Thể thao, Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, khi chơi thể thao, nhiệt độ cơ thể chúng ta có thể tăng từ 1-1,5oC, ra mồ hôi nhiều, đồng thời huyết áp, nhịp tim cũng tăng, hơi thở dồn dập... tất cả những điều đó là phản ứng tự nhiên của cơ thể, báo hiệu cho chúng ta biết khi nào cơ thể cảm thấy mệt mỏi và cần nghỉ ngơi.
Các vận động viên chuyên nghiệp có rất nhiều cách để điều chỉnh cơ thể thích nghi với hoạt động luyện tập, cũng như việc tăng thân nhiệt.
Theo BS Phú, những người luyện tập thông thường nên theo dõi phản ứng của cơ thể để biết khi nào nên dừng việc tập luyện, tránh cho cơ thể phải hoạt động quá sức. Tuyệt đối không nên sử dụng các biện pháp kích thích để đối phó với những phản ứng tự nhiên này.
Việc sử dụng các miếng dán làm mát, nếu có tác dụng thực sự, nghĩa là làm cho cơ thể không bị nóng, mồ hôi sẽ ra ít hơn, kéo theo các phản ứng khác sẽ không còn “trung thực” như tín hiệu cơ thể muốn phát ra.
Người chơi vì thế không nhận được tín hiệu đúng của các cơ quan trong cơ thể, và vì chưa cảm thấy mệt mỏi nên vẫn tiếp tục kéo dài hoạt động, cũng như tăng cường độ hoạt động mặc dù cơ thể đã thực sự làm việc quá sức. Điều đó thực sự nguy hiểm.
Sau khi chơi thể thao có thể những miếng dán làm mát có tác dụng, sẽ giúp bạn giải tỏa phần nào sự nóng bức của cơ thể.
Tuy nhiên cũng không nên lạm dụng quá mức công dụng làm mát cơ thể vì chúng ta hiểu rằng cơ thể cần thích nghi dần với việc giảm dần nhiệt độ bằng cách thả lỏng, thư giãn hợp lý. Không nên thực hiện các việc làm hạ nhiệt cơ thể đột ngột, ví dụ như tắm nước lạnh hoặc uống bia rượu nay sau khi chơi thể thao.
Nguy cơ viêm nhiễm do bít mồ hôi
Theo TS Lê Minh Hương (Phó Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi TW), da trẻ nhỏ được ví như lá phổi thứ hai của trẻ, vô cùng nhạy cảm và dễ bị tổn thương, do đó bất cứ thứ gì dán lên da cũng cần cân nhắc thật kỹ trước khi dùng.
Về mặt chuyên môn, các bác sĩ có thể khuyên dùng miếng dán hạ sốt nếu cần, vì đây là phương pháp có tính chất vật lý - khi cơ thể có nhiệt độ quá cao, miếng dán có chất bốc hơi sẽ giúp giải nhiệt cho cơ thể.
Còn khi trời nắng nóng là nhiệt độ ngoài trời tăng, chứ không phải nhiệt độ cơ thể tăng nên việc hạ nhiệt là không cần thiết. Hơn nữa, với những miếng dán trên da như thế, thậm chí các lỗ chân lông tại chỗ dán bị bít kín, làm bí mồ hôi, dễ sinh ra nguy cơ viêm nhiễm da.
Theo KH&ĐS