Nguy cơ ung thư từ tình trạng tinh hoàn ẩn
(Dân trí) - Tinh hoàn ẩn là khuyết tật về sự phát triển thường gặp nhất ở nam giới. Tỷ lệ bị tinh hoàn ẩn gặp ở khoảng 3-4% trẻ khi sinh. Tỷ lệ này sẽ cao hơn ở trẻ đẻ thiếu cân, đẻ non, sinh đôi,…
Bình thường, tinh hoàn phát triển trong bụng thai nhi và đi xuống bìu trước khi sinh. Tuy nhiên, ở khoảng 3% bé trai, tinh hoàn không xuống bìu khi sinh ra dẫn đến bệnh tinh hoàn ẩn.
Dấu hiệu nhận biết tinh hoàn ẩn là bìu xẹp, không sờ thấy tinh hoàn trong bìu. Dùng lòng bàn tay vuốt từ vùng mu xuống bìu có thể cảm thấy tinh hoàn nổi gờ lên.
Nguy cơ ung thư vì tinh hoàn ẩn
Hiện tượng tinh hoàn ẩn nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Trước hết, khi đến tuổi dậy thì, trẻ có thể bị xoắn tinh hoàn. Trẻ có biểu hiện đau dữ dội, đột ngột ở bìu. Vùng bìu bẹn sưng to, sờ đau, có thể chuyển màu tím đen. Đây là 1 cấp cứu tối khẩn cấp, nếu mổ muộn sau 6 giờ tính từ cơn đau đầu tiên thì khả năng phải cắt tinh hoàn bị hoại tử do xoắn là rất cao.
Bên cạnh xoắn tinh hoàn, trẻ bị tinh hoàn ẩn không điều trị, sau này có thể bị thoát vị bẹn, chấn thương tinh hoàn, vô sinh hay thậm chí là ung thư tinh hoàn. Cụ thể, nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn, trong trường hợp này, cao gấp 2,5 đến 14 lần so với người bình thường.
Do đó, với tất cả những trẻ đã quá 6 tháng tuổi mà không sờ thấy tinh hoàn ở bìu đều cần phải được khám và điều trị. Mổ hạ tinh hoàn là phương pháp điều trị cơ bản và hiệu quả nhất.
Nam giới 15-35 tuổi cần đặc biệt cảnh giác ung thư tinh hoàn
Các tế bào khỏe mạnh trong tinh hoàn phát triển và phân chia một cách có trật tự để giữ cho cơ thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, đôi khi có một số tế bào phát triển bất thường khiến sự tăng trưởng này vượt khỏi tầm kiểm soát - những tế bào ung thư tiếp tục phân chia tạo thành khối u tinh hoàn.
Ung thư tinh hoàn là loại ung thư ít gặp ở nam giới, chiếm khoảng 1% tổng số ung thư ở nam. Tuy nhiên nó lại là một trong những bệnh ác tính nhất ảnh hưởng đến nam giới trong độ tuổi 15 đến 35.
Dấu hiệu ung thư tinh hoàn
Theo Cancer, dấu hiệu hay gặp nhất và cũng là lý do đi khám bệnh nhiều nhất là bệnh nhân tự sờ thấy u tinh hoàn hoặc thấy một bên tinh hoàn to lên bất thường.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có những triệu chứng sau:
- Đau âm ỉ vùng bẹn bìu hoặc vùng bụng dưới.
- Bìu cảm giác nặng, căng tức ở một bên bìu.
- Có thể nổi hạch vùng bẹn.
- Có thể đau bụng (do di căn hạch ổ bụng chèn ép hoặc đau do ung thư tinh hoàn ẩn phát triển trong ổ bụng).
- Có thể sờ thấy hạch cổ, đau ngực, khó thở… (do ung thư di căn).
Mặc dù ung thư tinh hoàn ảnh hưởng rất nhiều đến nam giới, tuy nhiên đây là bệnh có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tính chung cho các giai đoạn có thể chữa khỏi cho 90% số người bệnh.
Tỷ lệ sống 5 năm ở các bệnh nhân ung thư tinh hoàn lớn hơn 95%. Do vậy, ngoài việc thay đổi lối sống, mọi người nên được kiểm tra sàng lọc phát hiện sớm ung thư tinh hoàn để có thể phát hiện và điều trị kịp thời.
Phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư tinh hoàn
Để phòng ngừa ung thư tinh hoàn thì chúng ta sẽ loại bỏ các yếu tố nguy cơ. Trong đó, yếu tố chủng tộc, tiền sử gia đình, ung thư tinh hoàn là không thể thay đổi. Còn với yếu tố nguy cơ tinh hoàn ẩn, cha mẹ cần chú ý phát hiện sớm tinh hoàn ẩn cho trẻ.
Với đàn ông, cần biết cách tự khám tinh hoàn cho mình để phát hiện tinh hoàn ẩn và thực hiện phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu tránh nguy cơ ung thư tinh hoàn.
Bên cạnh đó, cần có cuộc sống tình dục lành mạnh tránh lây nhiễm HIV.
Ngoài ra, mọi người nên có chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lý để nâng cao sức khỏe.
Các bước tự thăm khám tinh hoàn:
Bước 1: Đứng trước gương. Nam giới sẽ tự kiểm tra da bìu để tìm dấu hiệu da bìu phù nề.
Bước 2: Dùng tay khám từng bên tinh hoàn. Dùng ngón trỏ và ngón giữa đặt dưới tinh hoàn, ngón cái để trên tinh hoàn. Lăn các ngón tay nhẹ nhàng để tìm các u cục bất thường.
Bước 3: Tìm mào tinh hoàn và kiểm tra, đó là phần mềm mại nằm phía sau tinh hoàn, đây là nơi giúp tinh trùng trưởng thành.