Bệnh tinh hoàn ẩn

Tinh hoàn ẩn là sự bất thường khi tinh hoàn không nằm trong bìu mà còn nằm lại trên đường di chuyển như trong thời kì phôi thai. Đây là một bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và dưới 6 tuổi.

Có thể gặp tinh hoàn ẩn cả 2 bên nhưng có khi chỉ một bên và thường gặp ở bên phải.

 

Tinh hoàn ẩn khác với tinh hoàn lạc chỗ

 

Tinh hoàn lạc chỗ ngoài bìu có thể nằm bất cứ chỗ nào như ở mu, nếp bẹn, cung đùi, tầng sinh môn do trong khi di chuyển đã bị kéo lệch ra khỏi đường đi bình thường. Tinh hoàn ẩn được xác định nằm trên đường di chuyển như trong thời kỳ phôi thai, có thể ở trong ổ bụng, ống bẹn, lỗ bẹn, trên bìu...

 

Những tổn thương tại tinh hoàn ẩn có thể gặp: số lượng nguyên tinh bào giảm và chậm trưởng thành, đường kính các ống sinh tinh giảm, xơ hóa xung quanh ống..

 

Điều cần lưu ý là người bị tinh hoàn ẩn có thể mắc các dị dạng khác, nhất là đối với thể ẩn cả 2 bên có thể gặp những rối loạn bệnh lý nhiễm sắc thể giới tính, tật ái nam ái nữ hoặc kèm theo dị dạng ở đường tiết niệu như tật lỗ đái thấp, suy tuyến sinh dục...

 

Biến chứng

 

Có thể gây ra vô sinh do sự thoái hóa của tinh hoàn, loạn sản gây ung thư hóa ở tinh hoàn ẩn rất cao so với tinh hoàn binh thường. Ngoài ra cũng có thể gặp các biến chứng xoắn vặn tinh hoàn, chấn thương vỡ tinh hoàn ẩn... Vì vậy việc phát hiện sớm và điều trị bệnh tinh hoàn ẩn ở trẻ nhỏ là rất quan trọng.

 

Thăm khám và chẩn đoán

 

Có thể phát hiện tình trạng bệnh ở trẻ thông qua sờ nắn ở cả 2 bên để so sánh. Song việc chẩn đoán cần phải xác định được tinh hoàn ẩn ở một bên hay hai bên, có còn sờ thấy không thì phải nhờ các nhà chuyên môn bằng các phương pháp như siêu âm, chụp cắt lớp điện toán (CT Scan).

 

Ngoài ra có thể thử nghiệm test sinh hóa HCG, Testosteron, xét nghiệm nhiễm sắc thể…

 

Điều trị

 

Có 2 phương pháp chính là:

 

- Điều trị nội khoa bằng nội tiết tố HCG có tác dụng kích thích tinh hoàn phát triển và di chuyển. Kết quả điều trị bằng nội tiết có 45% tinh hoàn ẩn ở ống bẹn xuống được bìu và 20% tinh hoàn ẩn từ trong ổ bụng xuống được bìu.

 

- Điều trị ngoại khoa: được chỉ định khi điều trị nội tiết thất bại và nên mổ trước 2 tuổi, mổ để hạ tinh hoàn và cố định tinh hoàn xuống bìu. Nếu tinh hoàn ẩn cả 2 bên thì tùy theo từng trường hợp nhưng thường mổ từng bên cách nhau 6-8 tháng.

 

Khi đã ở tuổi dậy thì và tinh hoàn teo mất chức năng hoặc nguy cơ thoái hóa cao thì phải cắt bỏ tinh hoàn teo.

 

Theo Thanh Niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm