1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người Việt ngày càng lười đẻ, siết chặt sinh con để lại hệ lụy khó khắc phục?

(Dân trí) - Chiều 17/10, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cho biết, Ban chấp hành Trung ương Đảng nhận định nếu duy trì chính sách giảm sinh quá lâu sẽ để lại những hệ lụy mà để giải quyết những hệ lụy này sẽ rất khó khăn.

Có nới lỏng để người dân thoải mái sinh con?

Đánh giá nghị quyết Trung ương 6 về công tác dân số, ông Tân cho rằng, lần đầu tiên trong suốt 20 năm qua Ban chấp hành Trung ương Đảng nhận định nếu duy trì chính sách giảm sinh quá lâu sẽ để lại những hệ lụy mà để giải quyết những hệ lụy này sẽ rất khó khăn. Công tác dân số được chuyển hướng sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số: quy mô, cơ cấu, phân bổ, nâng cao chất lượng dân số.

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số. Ảnh: H.Hải
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số. Ảnh: H.Hải

Tại nghị quyết này có 2 điểm mới quan trọng:

Thứ nhất, trong 55 năm qua (từ năm 1961) Việt Nam tập trung chủ yếu giải quyết quy mô dân số, mục tiêu giảm sinh với chính sách sinh đẻ có kế hoạch, kế hoạch hóa gia đình. Vì thế, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế vào 2006 và duy trì từ đó đến nay.

Nghị quyết lần này đã chuyển hướng công tác dân số sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số: quy mô, cơ cấu, phân bổ, nâng cao chất lượng dân số.

Điểm mới thứ 2 được quan tâm hơn rất nhiều. Cụ thể trong 55 năm làm công tác dân số đều tập trung giảm quy mô dân số, giảm mức sinh với việc vận động người dân sinh ít, khẩu hiệu mỗi cặp vợ chồng sinh 1-2 con hoặc dừng lại 2 con đẻ nuôi dạy cho tốt….

“Nghị quyết lần này không đặt ra vấn đề tiếp tục giảm sinh mà trước mắt duy trì mức sinh thay thế, theo đó tiếp tục vận động giảm sinh ở nơi có mức sinh cao, đồng thời vận động sinh đủ 2 con ở nơi thấp hơn mức sinh thay thế”, ông Tân nói.

Còn về chính sách pháp luật, từ trước đến nay Việt Nam không có quy định khống chế người dân sinh bao nhiêu con, nhưng có chính sách vận động mỗi gia đình sinh 2 con (trừ nhóm đảng viên),

Theo đó, từ năm 2008 đảng viên sinh con thứ 3 bị cảnh cáo, thứ 4 bị khai trừ; từ năm 2013 chính sách được nới, theo đó đảng viên sinh con thứ 3 bị khiển trách, con thứ 4 bị cảnh cáo và sinh con thứ 5 sẽ khai trừ khỏi đảng. Còn với người dân không áp dụng quy định này, chỉ vận động mỗi gia đình sinh 2 con.

“Vì không có quy định khống chế người dân sinh bao nhiêu con, sinh bao nhiêu con là quyền của người dân, nên không có chuyện giờ nới ra. Thời gian tới sẽ rà soát quy định với đảng viên về xử lý vi phạm trong công tác dân số”, ông Tân cho biết.

Chỉ một số ít muốn có một hoặc nhiều hơn 3 con

Theo ông Tân, hiện nay mức sinh của Việt Nam chưa xuống quá thấp, còn tỷ lệ đáng kể người dân muốn sinh thêm con.

Kết quả khảo sát của ngành dân số với sự tham gia của 700.000 người dân về số con mong muốn mới đây cho thấy: 73% người dân muốn có 2 con; 8,3% muốn có 1 con; 9,3% có 3 con, hơn 8% muốn nhiều hơn 3 con.

Trên thực tế, khi điều chỉnh chính sách thì mức sinh có tăng lên. Như năm 2011 số con bình quân của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,99 con thì đến nay tăng lên 2,1 con.

“Tuy nhiên, con số này tăng hầu hết ở các tỉnh miền Bắc, trong khi đó, khu vực miền Nam mức sinh vẫn có xu hướng đi xuống. Vì thế, mức sinh tăng lên 2,4-2,5 con thì vẫn chưa có vấn đề gì lớn. Theo dự báo, để tăng lên mức này là rất khó, nếu có cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn”, ông Tân nhận định.

Hồng Hải