Người Việt “đốt” tiền tỷ mỗi năm theo khói thuốc

(Dân trí) - Theo thống kê 2015 cho thấy, thuế thu từ thuốc lá là 15.000 tỷ đồng nhưng tiền mà người dân chi cho “đốt” thuốc lá ước lên đến 31.000 tỷ đồng và phải chi thêm khoảng 25.000 tỷ đồng cho chi phí điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Thông tin trên được BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết tại Hội thảo Báo chí với việc thúc đẩy thực hiện công ước khung về kiểm soát thuốc lá tại Việt Nam do Ban Tuyên giáo tổ chức ngày 6/12 tại Hà Nội.

Việt Nam đã xây dựng thành công nhiều mô hình không khói thuốc, như thành phố du lịch không khói thuốc, nhà hàng, cơ quan công sở, bệnh viện... không khói thuốc.
Việt Nam đã xây dựng thành công nhiều mô hình không khói thuốc, như thành phố du lịch không khói thuốc, nhà hàng, cơ quan công sở, bệnh viện... không khói thuốc.

Tại Việt Nam trong khi xu hướng mắc các bệnh lây nhiễm giảm thì các bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh chóng. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi... là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở nam giới.

Gần 28% tổng số ca tử vong ở nam giới từ 35 tuổi trở lên là do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá(3). Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/ năm vào năm 2030.

Theo BS Lâm, mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia, nhưng phần đóng góp này không đủ để bù đắp những tổn thất kinh tế do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Những tổn thất này bao gồm:chi phí cho mua thuốc lá hút, chi phí chăm sóc y tế cho những người bị bệnh do hút thuốc lá, chi phí giảm năng suất lao động do nghỉ ốm, do hỏa hoạn và những tổn hại cho môi trường.

Còn theo bà Hoàng Anh, Giám đốc tổ chức HealthBridge tại VN, một điều tra (2005) tại VN cho thấy, các hộ nghèo tại VN tiêu tốn 5% thu nhập gia đình vào thuốc lá.

Theo đó, chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp. Các hộ nghèo tại Việt Nam phải tiêu tốn khoảng 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá. Ở những hộ này, khoản tiền mua thuốc lá thậm chí cao hơn khoản tiền chi cho y tế hay giáo dục. Nếu người hút thuốc nghèo bỏ thuốc, họ sẽ có nhiều tiền hơn để mua thức ăn hoặc để trả tiền học cho con cái của mình.

Cũng theo bà Hoàng Anh, cần tái cấu trúc bộ máy theo hướng không bố trí bộ nhà nước tham gia quản lý tại các doanh nghiệp thuốc lá để hạn chế sự ủng hộ cho việc thực hiện các chính sách thuận lợi cho ngành công nghiệp thuốc lá phát triển. Hiện tại thuế thuốc lá của VN thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực (chiếm 35% trên giá bán lẻ).

Về việc thực thi môi trường không khói thuốc, đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đã tham gia vào Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo công ước, các Quốc gia thành viên phải thực thi các biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân khỏi việc phơi nhiễm khói thuốc lá:”... ở những nơi làm việc trong nhà, các phương tiện giao thông công cộng, những nơi công cộng trong nhà và ở mức thích hợp tại những nơi công cộng khác”.

Vì thế, trong thời gian qua, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể để xây dựng môi trường không khói thuốc tại các địa điểm công cộng như bệnh viện, bến xe, trường học…

Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy nổ cao.

Hồng Hải