Người Việt đang ăn quá nhiều thịt đỏ

Nam Phương

(Dân trí) - Tổ chức chống ung thư thế giới khuyến cáo mỗi người một ngày không nên ăn quá 70g thịt đỏ. Trong khi đó, mức tiêu thụ thịt đỏ bình quân đầu người của người dân thành thị nước ta lên đến 116,9g/ngày.

Chia sẻ tại buổi họp báo Chương trình truyền thông hưởng ứng ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới 29/5 do Viện Dinh dưỡng, Báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức sáng 5/5, GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ăn uống đa dạng, 

"Ngày xưa, chúng ta ăn để sống, cốt ăn no là chính, thì nay khi kinh tế khá giả chúng ta ăn uống tốt hơn, đầy đủ chất hơn. Các bữa ăn cũng đa dạng thực phẩm, cung cấp được nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể. Song bên cạnh đó, cũng có người ăn thừa, ăn quá mức, ăn thừa thịt, đặc biệt là thịt đỏ. Tổ chức chống ung thư thế giới khuyến cáo mỗi người một ngày không nên ăn quá 70g thịt đỏ", GS Tuyên nói. 

Người Việt đang ăn quá nhiều thịt đỏ - 1

GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế.

Trong khi đó, theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ người Việt ăn thừa thịt đỏ bắt đầu tăng lên và khá cao. Cụ thể, theo kết quả các cuộc tổng điều tra về dinh dưỡng, mức tiêu thụ thịt nói chung và thịt đỏ nói riêng có sự gia tăng mạnh mẽ trong một vài thập kỷ gần đây. Nếu như mức tiêu thụ thịt (các loại) bình quân một người/ngày là 51g/ngày (năm 2000) và 84g/ngày (năm 2010) và năm 2020 thì mức tiêu thụ đạt 134,5g/ngày. 

Người dân khu vực thành thị có mức tiêu thụ thịt cao hơn khu vực nông thôn. Mức tiêu thụ thịt đỏ bình quân đầu người là 95,5g/người/ngày (năm 2020) và ở khu vực thành thị là 116,9g/ngày, mức tiêu thụ này của người dân thành thị đã cao hơn so với nhu cầu khuyến nghị về mức tiêu thụ thịt đỏ.

Theo GS Tuyên ăn quá nhiều thịt gây các bệnh chuyển hóa, tăng axít uric gây bệnh gút, gây béo phì-thừa cân đây là "cửa ngõ" của các bệnh không lây nhiễm khác (như tim mạch, ung thư, chuyển hóa…). 

"Chúng ta sinh ra mỗi người chỉ có 3kg, cho đến khi trưởng thành chúng ta có khoảng 50kg, như vậy, 47kg chúng ta lấy từ thức ăn. Trong một đời người sống 70 năm thì trung bình chúng ta tiêu thụ khoảng 144 tấn lương thực thực phẩm, không kể nước. Tất cả đều đi qua đường tiêu hóa. Nói điều này để thấy đường tiêu hóa quan trọng như thế nào", GS Tuyên nói. 

Tuy nhiên, hiện nay theo ông đôi khi nhiều người đang coi hệ thống tiêu hóa như "nhà kho", ăn nhiều thịt, các chất chua mặn khác nhau, uống nhiều bia rượu… 

"Các cụ xưa nói bệnh từ miệng vào, đến nay, chúng ta thấy điều này vẫn đúng. 70% hệ thống miễn dịch nằm ở đường ruột, nó được ví như "ngôi nhà" của hệ miễn dịch. Đây cũng là nơi vi khuẩn tập trung đông đảo nhất, nhiều chủng loại nhất", GS Tuyên nhấn mạnh. 

Vì thế, ý nghĩa của Ngày Sức khỏe Tiêu hóa thế giới năm nay là phải ăn uống đa dạng.

Từ năm 2004, Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 29/5 bởi Tổ chức Tiêu hóa Thế giới (WGO) phối hợp với Quỹ WGO (WGOF). Mục đích nhằm nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về vai trò của hệ tiêu hóa đối với sức khỏe, cũng như cách phòng ngừa, chẩn đoán, quản lý và điều trị các bệnh, tình trạng rối loạn tiêu hóa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm