1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vắc xin Covid-19 nào là tốt nhất hiện nay?

Cẩm Tú

(Dân trí) - Cho đến nay, 3 loại vắc xin Covid-19 đã được FDA cấp phép, bao gồm vắc xin của hãng Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson.

Nhưng loại thứ tư, được phát triển bởi AstraZeneca và Đại học Oxford, có thể sớm được phân phối ở Mỹ.

Vắc xin Covid-19 của AstraZeneca có hiệu quả 76% đối với nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng và hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa nhập viện và bệnh nặng, theo phân tích tạm thời từ thử nghiệm giai đoạn 3 tại Mỹ, bao gồm hơn 32.000 người.

Tuyệt vời hơn nữa, vắc-xin AstraZeneca có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường, nghĩa là nó có thể là chìa khóa để tiếp cận người dân ở các vùng nông thôn và vùng thiếu thốn, một trong những vấn đề cấp bách nhất trong cuộc chiến chống lại đại dịch.

Mặc dù chưa được phép sử dụng ở Mỹ, nhưng đây là những gì chúng ta biết về vắc xin AstraZeneca cho đến nay so với các vắc xin của Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson.

Vắc xin Covid- 19 của AstraZeneca COVID-19 hoạt động như thế nào?

Vắc xin của AstraZeneca sử dụng công nghệ vectơ adenovirus, một phiên bản sửa đổi, vô hại của virus cảm lạnh thường lây lan ở tinh tinh. Loại virus bị biến đổi này không thể khiến bạn bị bệnh, nhưng nó mang một gen từ protein gai của SARS-CoV-2, phần của virus kích hoạt phản ứng miễn dịch. Điều này cho phép hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể chống lại COVID-19, dạy cơ thể cách phản ứng nếu bị nhiễm.

Vắc xin của Johnson & Johnson cũng dựa trên công nghệ vectơ adenovirus tương tự. Trong khi đó, vắc xin Pfizer-BioNTech và Moderna dựa trên công nghệ mRNA, về cơ bản là đưa một đoạn mã di truyền đánh lừa cơ thể sản sinh kháng thể chống lại COVID-19 mà không cần virus. Cả hai loại vắc xin này đều cần tiêm hai mũi cách nhau khoảng một tháng.

So sánh vắc xin AstraZeneca với vắc xin Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson?

Bảo quản và phân phối

Cho đến nay, vắc xin của Johnson & Johnson và AstraZeneca là những vắc xin dễ vận chuyển nhất — chúng có thể được bảo quản đến 6 tháng trong khoảng từ 2,2 đến 7,8 độ C, là nhiệt độ của tủ lạnh bình thường. Trong khi đó, vắc xin của Moderna và Pfizer phải được bảo quản ở nhiệt độ dưới 0 độ C cho đến khi chúng sẵn sàng sử dụng, tương ứng ở -20 độ C đến -70 độ C. (Công nghệ mRNA tương đối mỏng manh hơn, nghĩa là nó phải được bảo quản ở nhiệt độ thấp hơn nhiều để duy trì hiệu quả và ổn định).

Nhiệt độ bảo quản cao hơn có thể giúp việc phân phối dễ dàng hơn nhiều. Việc có thể sử dụng tủ lạnh thông thường cho phép đưa vắc xin đến những vùng khó khăn hơn, và cho phép bảo quản tại phòng khám trong thời gian dài hơn.

Giá cả

Theo báo cáo của BMJ năm 2021, vắc xin của AstraZeneca ước tính có giá khoảng 4 đô la Mỹ cho mỗi liều. Pfizer có giá khoảng 20 đô la mỗi liều, Moderna có giá từ 25 đến 37 đô la mỗi liều, trong khi Johnson & Johnson có giá khoảng 10 đô la mỗi liều. Mức giá này có thể sẽ thay đổi theo thời gian và sự tiến bộ của các loại vắc xin.

Phản ứng phụ

Cả 4 vắc xin đều có tác dụng phụ tương tự nhau, bao gồm đau tại chỗ tiêm và các triệu chứng giống cúm, như sốt, mệt mỏi, đau đầu và đau cơ, có thể xảy ra khi hình thành miễn dịch, đặc biệt là sau khi tiêm liều thứ hai. Các triệu chứng thường kéo dài từ một đến hai ngày.

Hiệu quả chung

Cả Pfizer và Moderna đều báo cáo hiệu quả chống lại Covid-19 khoảng 95% sau lần tiêm thứ hai trong các thử nghiệm lâm sàng. Kết quả sơ bộ từ một nghiên cứu thực tế do CDC Mỹ công bố cho thấy cả hai vắc xin mRNA đều có hiệu quả chống nhiễm SARS-CoV-2 khoảng 90%. (Để so sánh, tiêm phòng cúm hàng năm thường có hiệu quả từ 40 đến 60%). Chúng cũng làm giảm nguy cơ bị bệnh nặng ngay cả khi bị nhiễm SARS-CoV-2.

Theo FDA, vắc xin Johnson & Johnson có hiệu quả khoảng 66% trong việc ngăn ngừa Covid-19 có triệu chứng và hiệu quả 85% đối với Covid-19 nặng có thể dẫn đến nhập viện và tử vong. Thử nghiệm giai đoạn 3 của công ty cũng báo cáo không có trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19 và không có trường hợp Covid-19 nào cần can thiệp y tế sau 28 ngày ở những người tham gia tiêm chủng.

Kết quả sơ bộ từ báo cáo thử nghiệm của AstraZeneca tại Mỹ cho biết vắc xin có hiệu quả 76% đối với nhiễm Covid-19 có triệu chứng sau 2 liều cách nhau 4 tuần; nó có hiệu quả 100% chống lại bệnh nặng và nhập viện. Dựa trên một nghiên cứu trước đó, vắc xin AstraZeneca có thể hiệu quả hơn với các liều cách nhau hơn bốn tuần; Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu để xác nhận tầm quan trọng của phát hiện này.

Hiệu quả chống lại các biến thể

Các thử nghiệm của Pfizer và Moderna được thực hiện trước khi các biến thể SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao trở nên phổ biến; cả hai công ty hiện đang thực hiện thêm thử nghiệm để xem vắc xin có hiệu quả chống các biến thể virus như thế nào; sẽ cần liều nhắc lại thứ ba để bảo vệ. Cho đến nay, Pfizer vẫn khẳng định "không thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các biến thể đang lưu hành dẫn đến mất khả năng bảo vệ", trong khi Moderna cho biết dữ liệu ban đầu cho thấy vắc xin "có tác dụng vô hiệu hóa chống lại các biến thể đáng lo ngại".

Giai đoạn 3 thử nghiệm toàn cầu của Johnson & Johnson đã hoàn thành trong bối cảnh số lượng biến thể tăng vọt. Nghiên cứu của họ cho thấy hiệu quả của vắc xin bị giảm ở Nam Phi, có lẽ là do biến thể B.1.351 chiếm ưu thế ở khu vực này. Tuy nhiên, vắc xin vẫn mang lại sự bảo vệ đáng giá ở Nam Phi: hiệu quả 64% sau 28 ngày, tương tự tác dụng bảo vệ của tiêm phòng cúm hàng năm.

Nghiên cứu của Nam Phi về vắc xin AstraZeneca, được thực hiện trên khoảng 2.000 người, cho thấy hiệu quả chống lại bệnh nhẹ và trung bình từ biến thể B.1.351 là dưới 25%, không đáp ứng được ngưỡng cho phép. Do đó, Nam Phi đã ngừng tiêm vắc xin AstraZeneca cho người dân, thay vào đó là chuyển sang vắc xin Johnson & Johnson.

Vắc xin AstraZeneca có gây đông máu không?

Được phê duyệt lần đầu tiên ở Anh ngày 30 tháng 12, vắc xin Covid-19 của AstraZeneca đã nhận được sự chấp thuận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 2 và kể từ đó đã được mở rộng sang phần lớn châu Âu, châu Á và châu Phi. Nhưng các báo cáo lẻ tẻ về một rối loạn đông máu hiếm gặp gọi là huyết khối xoang tĩnh mạch não (CVST) đã cản trở việc triển khai, vắc xin đã bị 13 quốc gia châu Âu và Thái Lan tạm dừng vào giữa tháng 3.

Tuy nhiên, cả Cơ quan Thuốc Châu Âu (EMA) và WHO đều khẳng định rằng vắc xin an toàn, với lý do có chưa đến 30 trường hợp được báo cáo về đông máu nghiêm trọng trong số 20 triệu người được tiêm vắc xin AstraZeneca trên khắp châu Âu. Trong đánh giá, EMA lưu ý rằng không rõ liệu các sự kiện có liên quan với nhau hay không và cần nghiên cứu thêm để xác nhận nguyên nhân trực tiếp.

Vắc xin Covid-19 của Johnson & Johnson, vắc xin vectơ adenovirus duy nhất được cung cấp ở Mỹ, cũng bị tạm dừng sử dụng vào tháng 4 sau một vài báo cáo hiếm hoi về CVST. Một phần lý do của việc tạm dừng là đảm bảo rằng các cơ sở y tế đã chuẩn bị sẵn sàng để điều trị những trường hợp đông máu này và thông báo cho mọi người về nguy cơ - dù là nhỏ - của biến chứng.

Người ta cho rằng các trường hợp CVST có liên quan đến vectơ adenovirus được sử dụng để mang vật liệu di truyền protein gai. Những trường hợp này hiếm gặp đến mức hầu hết các chuyên gia đều tin rằng có một "thành phần nào đó của vật chủ, một điều gì đó ở những người bị rối loạn đông máu khác với những người không bị".

Cần nghiên cứu thêm trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào về nguyên nhân có thể gây ra những trường hợp đông máu hiếm gặp này sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca và Johnson & Johnson. Vấn đề này đã bị bỏ sót trong các thử nghiệm lâm sàng vì chúng cực kỳ hiếm. Không thấy tăng khả năng đông máu ở những người tham gia thử nghiệm vắc xin AstraZeneca tại Mỹ.

Vắc xin Covid-19 nào là tốt nhất?

Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm vào ngày bạn đến hẹn. Tất cả chúng đều an toàn.

Mỗi vắc xin được FDA cấp phép đều đã được chứng minh là có thể làm giảm bệnh nặng, nhập viện và tử vong, những hậu quả tồi tệ nhất của Covid-19. Mặc dù vắc xin AstraZeneca chưa được phê duyệt ở Mỹ, nhưng nghiên cứu cho thấy nó có hiệu quả tương tự ở những nơi nó được phân phối.

Nhưng hãy nhớ rằng: Vắc xin không phải là thần dược. Nó phải được kết hợp với khẩu trang, rửa tay và giãn cách để hoạt động hiệu quả nhất có thể. Bất kể đã được tiêm loại vắc xin nào, bạn có thể tự tin vào khả năng bảo vệ, miễn là bạn tiếp tục thận trọng cho đến khi các trường hợp dương tính, số ca nhập viện và tử vong giảm đáng kể.

"Nếu có thể tiêm chủng, hãy tiêm chủng," TS Anna Durbin, chuyên gia về bệnh nhiễm trùng tại Johns Hopkins Medicine nói. "Hãy uống tiêm bất kỳ loại vắc xin nào mà bạn có thể nhận được để giúp chúng ta thoát khỏi đại dịch này."