"Nóng" nhập khẩu vắc xin Covid-19: Phải tiếp cận bằng mọi cách!

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, thời gian tới dự kiến nhập khẩu vắc xin Covid-19 từ Nga, Nhật Bản, Anh. Cùng đó, Việt Nam sẽ tiếp nhận công nghệ mới nhất về sản xuất vắc xin Covid-19.

Thông tin trên được lãnh đạo Bộ Y tế đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tối nay (5/5).

Ông Trần Văn Thuấn cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, phải tiếp cận bằng mọi cách và sớm nhất có thể để có vắc xin, trực tiếp và gián tiếp qua các Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, các công ty và tổ chức giới thiệu.

Nóng nhập khẩu vắc xin Covid-19: Phải tiếp cận bằng mọi cách! - 1
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (ảnh: Đoàn Bắc).

Về nhập khẩu, lãnh đạo Bộ Y tế thông tin trong năm 2021 và đầu năm 2022 dự kiến có một số nguồn để triển khai.

"Thứ nhất, nguồn của COVAX Facillity được 38,9 triệu liều - cơ bản chúng ta đủ cho 9,4 triệu đối tượng ưu tiên theo Quyết định 21 của Thủ tướng. Thứ hai, 30 triệu liều của AstraZeneca thông qua VNVC. Thứ ba, Bộ Y tế đang đàm phán với Plizer để có thêm 31 triệu liều, cùng với 2 triệu liều vắc xin Sputnik V từ viện trợ khác của Nga" - ông Thuấn nói.

Đề cập tới việc chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nêu một số thông tin đáng chú ý.

"Thủ tướng chỉ đạo tôi đi Nhật, anh Cường (Thứ trưởng Y tế Trần Quốc Cường - PV) đi Nga để nhận chuyển giao công nghệ và đàm phán mua thêm vắc xin của Nga, của Nhật" - ông Thuấn cho hay.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, đầu tháng 5 vừa rồi, sau khi Bộ Y tế Việt Nam trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì đã nhận được thông báo của WHO rằng sẽ cùng với các đối tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19 mới nhất cho Việt Nam là công nghệ MRNA. Trong tháng này, Bộ Y tế sẽ bàn cụ thể hơn với WHO và các đối tác về việc chuyển giao.

Đối với vắc xin trong nước, theo ông Thuấn hiện tại có 2 đơn vị sản xuất sẽ hoàn thành vào giữa và cuối năm nay. Bộ Y tế đang khẩn trương hỗ trợ các đơn vị để nhanh chóng sản xuất, nếu không may dịch bùng phát thì có thể phê chuẩn vắc xin khẩn cấp, nếu sản xuất thành công thì sẽ có vắc xin trong nước.

Trước đó, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Y tế chủ động, tích cực tiếp cận nhiều nguồn vắc xin và công nghệ xét nghiệm nhanh; đẩy nhanh tiến độ tiêm số vắc xin hiện đang có, bảo đảm an toàn và không để vắc xin quá hạn.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế xây dựng Đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vắc xin và huy động nguồn lực thực hiện, báo cáo Chính phủ tại phiên họp chuyên đề vào tháng 5/2021.