Người thành thị chống chọi với trầm cảm

Rất nhiều người thành phố mắc phải căn bệnh này nhưng không phải ai cũng biết cách vượt qua.

Tìm đến thuốc chống trầm cảm chưa hẳn vì bị trầm cảm Trầm cảm: Căn bệnh của người thành thị Đừng đẩy người phụ nữ sau sinh đến đường cùng Gần 30% người bị rối loạn trầm cảm nghĩ đến cái chết

Sáng 28/5, ThS.BS tâm lý Đỗ Ngọc Chánh (giảng viên bộ môn Y học gia đình, Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch) đã có buổi nói chuyện chuyên đề với những người bị trầm cảm. Buổi nói chuyện do Nhà văn hóa Phụ nữ tổ chức.

Người đến để được trò chuyện với bác sĩ gồm những người khá thành đạt trong xã hội và cả những người lao động nghèo ở đô thị.

Áp lực của người bán bánh mì

Mọi người trong khán phòng lặng phắc khi bà Nguyễn Thị Hảo (quận 5) chia sẻ về hoàn cảnh của mình, cũng là nguyên nhân khiến bà trở nên trầm uất một thời gian rất dài.

Trước đây bà là giáo viên dạy Nga văn nằm trong diện bị giảm biên chế. Bà cố gắng học tiếng Anh để quay lại bục giảng thì mẹ bà ốm nặng, bà phải nghỉ việc để chăm sóc mẹ.

Một thời gian sau đó, mẹ bà mất. Bà cũng đã lớn tuổi nên không lập gia đình. Sau đó, một người chị bị ốm rồi mất. Người chị khác bị tai nạn nằm bệnh viện. Lúc này, ở tuổi ngoài 60, bà lao ra đường đi bán bánh mì dạo kiếm tiền để cáng đáng gia đình. Số tiền bán bánh mì không đủ để trang trải cuộc sống, bà đi bán báo kiếm thêm vào mỗi buổi sáng sớm.

Nỗi lo cơm áo và những biến cố liên tiếp khi có thêm người thân trong nhà mất khiến bà gầy teo tóp. Lúc nào bà cũng cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi và không tìm thấy lối thoát cho cuộc sống của mình.

Mọi người có mặt trong khán phòng đã an ủi và chia sẻ với bà. Họ cũng gặp những khó khăn tương tự trong cuộc sống, nhất là kiểu sống đèn nhà ai nấy rạng ở đô thị.

Dù buổi nói chuyện đã kết thúc, nhiều người vẫn nán lại để hỏi người phụ trách Nhà văn hóa Phụ nữ (bìa trái) xem khi nào có chuyên đề tương tự để họ tham gia. Ảnh: HỒNG MINH
Dù buổi nói chuyện đã kết thúc, nhiều người vẫn nán lại để hỏi người phụ trách Nhà văn hóa Phụ nữ (bìa trái) xem khi nào có chuyên đề tương tự để họ tham gia. Ảnh: HỒNG MINH

Và những người thành thị cô đơn

Phần lớn những người thuộc tầng lớp trung lưu không gặp áp lực gánh nặng cơm áo nhưng nhiều người trong số đó rất cô đơn.

Tìm đến buổi nói chuyện như để trút nỗi lòng, thầy giáo NPL (nguyên giáo viên dạy văn của một trường THPT) chia sẻ về nỗi cô đơn cùng cực đã nhấn chìm ông suốt những năm qua kể từ khi mẹ ông mất.

Tính cách nhạy cảm, lại không lập gia đình nên ông rất gắn bó với mẹ. Ông rơi hẳn vào trầm cảm sau khi mẹ mất, sau đó ông mắc bệnh cao huyết áp, tim đập nhanh, trong lòng luôn bất an. Ông đến chùa trò chuyện với sư thầy để được trút vơi lòng mình nhưng cũng chỉ khuây khỏa được phần nào.

Bà TTL (chợ Thiếc, quận 11) thì rụt rè ngồi ở một góc phòng, khi bác sĩ hỏi lý do đến đây, bà cho biết đã rơi vào trầm cảm cách đây hơn chục năm khi người chồng mất. Bà có hai người con trai nhưng họ ít khi trò chuyện, tâm sự với bà. Khi các con có gia đình và quây quần với gia đình nhỏ của mình, bà gần như bị gạt ra rìa cuộc sống của con.

Bà buồn nói: “Có những ngày tôi chỉ ở trong nhà và ngủ, rồi dậy ăn cơm rồi đi ngủ”. Bà trở nên lo lắng, sợ hãi, cáu gắt và không làm chủ được cảm xúc của mình. Bà gần như không tìm được sự kết nối đối với mọi người xung quanh.

Để tĩnh tâm, bà đến nhà thờ học giáo lý mỗi ngày.

Người giàu cũng trầm cảm

Đến từ sớm cùng với quyển sổ tay để ghi lời khuyên của bác sĩ, chị N.Th. (quận 3) cho biết mình rơi vào trầm cảm hơn chục năm qua khi làm việc ở phòng quản lý nhân sự cho một tập đoàn nước ngoài và đã có vị trí khá thành đạt. Chị không cảm thấy yên ổn, luôn lo lắng, căng thẳng và có những lúc cảm thấy cực kỳ buồn chán. Chị cũng nhận ra tâm trạng của mình đã ảnh hưởng không tốt đến những người xung quanh.

Chị Th. chia sẻ: “Có lẽ công việc quá áp lực mà tính tôi lại quá cầu toàn và nhiệt tình với công việc. Tôi không thể chịu đựng nổi bản thân nếu cảm thấy làm chưa tới”.

Một phụ huynh chia sẻ về cháu của chị, một “cậu ấm con nhà giàu”. Người mẹ quan niệm gia đình chị khá giả nên con cái phải ăn học thành tài dù sức học của con chỉ ở mức bình thường. Cậu thiếu niên bị ép đi học đến mức bị rối loạn tâm thần phải vào bệnh viện điều trị.

Tuy nhiên, khi em khỏi bệnh trở về, người mẹ lại năn nỉ em đi học tiếp. Cậu bé này đã phát bệnh trở lại và gia đình em luôn ở trong trạng thái căng như dây đàn.

Bác sĩ cho rằng chính họ đã nhận ra vấn đề của bản thân. Điều còn lại là hãy mạnh mẽ vượt qua những rào cản tâm lý trong chính bản thân.

Trầm cảm là một cơ hội của bản thân

Bệnh trầm cảm có thể chữa khỏi, tuy nhiên điều đó phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của người bệnh. Trước hết, người bị trầm cảm cần kiểm soát những suy nghĩ tiêu cực. Cần hướng tới những điều tích cực như đọc sách, duy trì những mối quan hệ tích cực với những người lạc quan, duy trì tín ngưỡng lành mạnh.

Khi gặp những vấn đề trong cuộc sống, cần xem xét nó ở góc độ tích cực. Ngoài ra, hãy trò chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn.

Trầm cảm cũng là một cơ hội để chúng ta nhận thức về hiện trạng của chính mình và là một bước khởi đầu cho cuộc sống mạnh mẽ hơn.

BS tâm lý ĐỖ NGỌC CHÁNH

______________________________________

Bệnh trầm cảm gây hậu quả tàn phế hàng đầu vì nó thường kết hợp với các bệnh lý khác như tim mạch, tai biến mạch máu não, Parkinson, Alzheimer, viêm tắc khí quản. Bản thân bệnh trầm cảm gây ra các triệu chứng rối loạn nhận thức, rối loạn trí nhớ. Một số người tự làm bản thân tổn thương hoặc tự sát. Tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm nam/nữ là 1/2. Trung bình có 7% dân số chung mắc bệnh trầm cảm, ở các đô thị Việt Nam con số chắc chắn cao hơn nhiều. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi.

BS tâm lý ĐỖ NGỌC CHÁNH, giảng viên bộ môn Y học gia đình, Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch

Điều trị bệnh trầm cảm bao gồm điều trị về tâm lý, điều trị bằng thuốc và tập luyện thể dục thể thao. Khi điều trị các bạn đừng nên ngưng thuốc nửa chừng, bởi trầm cảm dễ dàng tái phát và lần sau sẽ khó điều trị hơn lần trước.

ThS tâm lý NGUYỄN NGỌC DIỆP, chuyên gia tư vấn tâm lý tại Nhà văn hóa Phụ nữ

Theo Hồng Minh

Pháp luật TPHCM