Người phụ nữ vào viện vì mỗi lần cãi nhau với chồng lại làm điều này

Minh Nhật

(Dân trí) - Bệnh nhân cho biết, mỗi khi cãi nhau với chồng hay lấy điện thoại ra xem cho đỡ căng thẳng.

Hà Nội: Vào viện vì mỗi lần cãi nhau với chồng lại làm điều này (Video: Minh Nhật).

Đến phòng khám thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng nhớ nhớ, quên quên, mệt mỏi, đau đầu và mất ngủ trầm trọng, bà Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi), sống tại Long Biên (Hà Nội) bất ngờ khi được bác sĩ kết luận "điện thoại" là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề sức khỏe của mình.

"Mỗi khi cãi nhau với chồng, tôi hay lấy điện thoại ra xem cho đỡ căng thẳng. Có những lúc rảnh rỗi ở nhà, tôi cũng xem điện thoại cho đỡ chán", bà Hoa chia sẻ.

Người phụ nữ vào viện vì mỗi lần cãi nhau với chồng lại làm điều này - 1

Bà Hoa bất ngờ khi được bác sĩ kết luận "điện thoại" là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề sức khỏe của mình (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo người phụ nữ này, trước đây bà hễ cứ đặt lưng xuống vài mươi phút là ngáy. Thế nhưng, một năm trở lại đây, việc đi ngủ với bà như một cực hình.

"Thỉnh thoảng mấy hôm liên tiếp tôi bị mất ngủ, có hôm 2 - 3h mới ngủ được", bà Hoa thở dài.

Trực tiếp thăm khám cho bà Hoa, BSCKII Đoàn Văn Phúc - Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang xác định các vấn đề sức khỏe của bà Hoa xuất phát từ việc chất lượng giấc ngủ kém.

"Cơn đau đầu của bệnh nhân có đặc điểm là đau âm ỉ, cảm giác bó chặt đầu. Đây là đau đầu kiểu căng thẳng hay do ngủ kém", BS Phúc phân tích.

Người phụ nữ vào viện vì mỗi lần cãi nhau với chồng lại làm điều này - 2

Ông Nguyễn Văn Thành, 50 tuổi, sống tại Gia Lâm, Hà Nội cho biết việc mất ngủ do xem máy nhiều với ông như một vòng luẩn quẩn (Ảnh: Mạnh Quân).

Cũng theo chuyên gia này, lạm dụng điện thoại nói riêng và đồ công nghệ nói chung đang là một trong những thủ phạm gây mất ngủ phổ biến. Đáng nói, không chỉ người trẻ mà nhiều người cao tuổi cũng bị smartphone đánh cắp giấc ngủ.

Đến phòng khám với triệu chứng tương tự bà Hoa, ông Nguyễn Văn Thành, 50 tuổi, sống tại Gia Lâm, Hà Nội cho biết việc mất ngủ do xem máy nhiều với ông như một vòng luẩn quẩn.

"Tôi hay xem TV và điện thoại dẫn đến vào giấc ngủ rất khó. Khi ngủ được rồi thì vài chục phút lại bị tỉnh rồi có khi thức trắng cả đêm. Những đêm không ngủ được, lại xem điện thoại cho đỡ chán, xem đến khi mắt mỏi quá rồi lại chợp mắt được thêm một chút", ông Thành cho hay.

Bệnh nhân này cũng chia sẻ thêm rằng, việc xem điện thoại cũng không hề có chủ đích, chỉ đơn giản là lướt Facebook, có gì xem nấy nhưng lại gây nghiện và rất khó cai.

"Một thói quen chung của hầu hết các ca bệnh là lên giường vẫn chưa chịu ngủ ngay mà phải tiếp tục xem điện thoại", BS Phúc cho hay.

Người phụ nữ vào viện vì mỗi lần cãi nhau với chồng lại làm điều này - 3

BSCKII Đoàn Văn Phúc - Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo BS Phúc, nghiện đồ công nghệ dẫn tới vệ sinh giấc ngủ kém và gây hậu quả là mất ngủ.

Đáng nói đồ công nghệ không chỉ "đánh cắp" thời lượng của giấc ngủ mà còn khiến chất lượng của giấc ngủ bị suy giảm đáng kể.

"Tôi thường tư vấn cho bệnh nhân đến 21h là phải cách ly những thứ liên quan đến công nghệ như máy tính, điện thoại. Sau khung giờ này, chúng ta vẫn còn xem một bộ phim hay lướt mạng khiến thần kinh bị kích thích dẫn đến khó đi vào giấc ngủ và ngủ không sâu giấc.

Hay như việc khi đi ngủ đặt điện thoại gần người, những tin nhắn, thông báo từ ứng dụng nổi lên xuyên đêm gây gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giấc ngủ", BS Phúc phân tích.

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe toàn diện của con người. Giấc ngủ đủ giờ và đủ chất lượng có thể giúp cải thiện trí nhớ, tăng khả năng tập trung, giảm stress và lo âu, cải thiện tâm trạng và giảm nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và bệnh tăng huyết áp.

Nếu không có đủ giấc ngủ, cơ thể sẽ không được phục hồi và tái tạo đủ năng lượng. Điều này có thể gây mệt mỏi, suy giảm sức khỏe và ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể và não bộ.

Đối với người bị mất ngủ, theo BS Phúc, điều quan trọng nhất là cần được khám tư vấn bởi bác sĩ kịp thời để tìm nguyên nhân, khi bệnh chỉ mới ở giai đoạn đầu.

"Một giấc ngủ ngon là phải đảm bảo sảng khoái và thoải mái khi tỉnh dậy vào ngày hôm sau. Nếu ngủ dậy mà người mệt mỏi, uể oải hoặc khi ngủ bị mơ nhiều, ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ thì chứng tỏ giấc ngủ đó không tốt", chuyên gia này nhấn mạnh.