Người phụ nữ ở TPHCM mắc bệnh "mọc đuôi" ở sọ vì cầm smartphone sai cách

Biên Thùy

(Dân trí) - Căn bệnh liên quan đến việc sử dụng smartphone này nếu mắc phải sẽ ảnh hưởng đến cả sức khỏe lẫn thẩm mỹ, thậm chí nếu không chữa sớm, kịp thời thì có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Hiện nay, smartphone là thiết bị đã rất quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên nếu sử dụng không đúng cách sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt cho sức khỏe, trong đó có bệnh gù lưng cổ rùa.

"Mọc đuôi" ở sọ vì cầm smartphone sai tư thế

Điển hình là trường hợp của chị H.V., ngụ TPHCM. Vì làm công việc liên quan đến viết lách, chị sử dụng điện thoại và máy vi tính trong thời gian rất dài. Hậu quả là sau đó, người phụ nữ thường xuyên cảm thấy đau lưng, đau cổ và có cảm giác lưng bị gù đi. Thông qua bạn bè giới thiệu, chị tìm đến một phòng khám chuyên về cột sống trên địa bàn TPHCM để kiểm tra sức khỏe.

Sau khi khám và tiến hành chụp X-quang, chẩn đoán của bác sĩ khiến người phụ nữ choáng váng. "Mình đã thành "dị nhân". Xương sọ người bình thường sẽ tròn đều, còn V. thì mọc ra một "cái đuôi" siêu to, siêu rõ. Không phải do bẩm sinh mà phần đuôi này phát triển từ từ sau nhiều năm ngồi làm việc trên máy tính, cầm điện thoại sai tư thế" - người phụ nữ kể.

Người phụ nữ ở TPHCM mắc bệnh mọc đuôi ở sọ vì cầm smartphone sai cách - 1

Ảnh chụp cho thấy sọ của bệnh nhân bị "mọc đuôi" phía sau (Ảnh: BSCC).

Bác sĩ Paul, người tiếp nhận điều trị cho chị V. chia sẻ, căn bệnh chị gặp phải có tên khoa học là Enthesophyte (chỉ sự tăng trưởng xương tại vị trí bất kỳ), với các triệu chứng điển hình của gù lưng cổ rùa - một căn bệnh cột sống thời hiện đại.

Đây là tình trạng cột sống bị biến dạng do ít nhất 3 đốt sống liên tiếp có góc gù thân đốt  ≥ 5 độ gây nên. Lúc này, đốt sống ngực có xu hướng cong về phía sau, còn đốt sống cổ khom gù về phía trước, khiến cột sống bị cong quá mức.

Khi bị bệnh gù lưng cổ rùa, người bệnh thường có những biểu hiện như khó đứng thẳng, lưng gù, thấy rõ khi nhìn nghiêng từ bên hông.

Bệnh nhân sẽ xuất hiện tình trạng đau lưng, tiến triển ngày càng nặng, chiều cao giảm xuống do đốt sống bị gù, việc di chuyển, vận động từ đó cũng không được linh hoạt.

Nguyên nhân chủ yếu gây chứng gù lưng cổ rùa là do sai tư thế kéo dài khi ngồi làm việc hoặc thư giãn. Nhiều người có thói quen cúi đầu lướt điện thoại trong nhiều giờ liền khiến cột sống cổ bị cong về phía trước. Lâu ngày dẫn đến tình trạng trên.

Ngoài ra, gù lưng cổ rùa còn do một số nguyên nhân khác, như các bệnh lý về xương khớp như loãng xương, thoái hóa đĩa đệm, ung thư cột sống… Hoặc do dị tật bẩm sinh, tư thế đi đứng không thẳng lưng, thường xuyên thõng vai.

4 biến chứng nguy hiểm của gù lưng cổ rùa

Theo bác sĩ Paul, khi bị gù lưng cổ rùa, cấu trúc đốt sống vùng cổ, ngực bị thay đổi. Lâu dần gây biến dạng lồng ngực, chèn ép lên các cơ quan xung quanh như tim, phổi… Điều này cản trở đến sự hô hấp và tuần hoàn máu, khiến người bệnh cảm thấy khó thở nghiêm trọng.

Bệnh gù lưng thông thường không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh. Nhưng nếu để tình trạng bệnh kéo dài, không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến 4 biến chứng nguy hiểm.

Thứ nhất, ảnh hưởng đến hệ hô hấp.

Thứ hai, hạn chế sự vận động: Gù lưng cổ rùa khiến chức năng của cột sống bị ảnh hưởng, không còn linh hoạt, khả năng chịu lực giảm đi. Từ đó hạn chế khả năng vận động của cơ thể. Lâu dần, người bệnh sẽ gặp khó khăn ngay cả với những hoạt động đơn giản nhất, như đi bộ, đứng lên, ngồi xuống, nằm xuống giường… ảnh hưởng đến công việc và thu nhập do giảm năng suất lao động.

Thứ ba, ảnh hưởng đến tiêu hóa: Không chỉ có tim, phổi, mà đường tiêu hóa cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng khi bị gù lưng. Việc nuốt thức ăn trở nên khó khăn hơn. Đồng thời chứng trào ngược dạ dày cũng xảy ra nhiều hơn.

Thứ tư, ảnh hưởng đến thẩm mỹ: Những người bị gù lưng thường có cảm giác mặc cảm, tự ti với tư thế, dáng người bất thường của mình, nhất là phái nữ, thanh niên. Điều này khiến họ thường xuyên cô lập với những người xung quanh. Nếu kéo dài có thể dẫn đến tình trạng tự kỷ, trầm cảm.

Người phụ nữ ở TPHCM mắc bệnh mọc đuôi ở sọ vì cầm smartphone sai cách - 2

Nắn chỉnh cột sống là một trong những phương pháp điều trị gù lưng cổ rùa (Ảnh: BSCC).

Các bác sĩ cho biết, nếu phát hiện điều trị sớm thì chứng gù lưng cổ rùa có thể được chữa khỏi. Cụ thể tùy vào mức độ, bệnh nhân có thể áp dụng bài tập hỗ trợ tại nhà (như hít thở, xoay người, gập ngực…). Ngoài ra, trị liệu nắn chỉnh cột sống được cho là giải pháp an toàn và hiệu quả để chữa gù lưng cổ rùa. Kỹ thuật viên sẽ dùng một lực bằng tay phù hợp để tác động lên vùng đốt sống bị gù, đưa cột sống về vị trí ban đầu, trả lại độ cong tự nhiên cho cột sống.

Để phòng gù lưng cổ rùa, bác sĩ khuyên bệnh nhân hãy điều chỉnh thói quen ngồi sai tư thế khi học tập, thư giãn, ngồi thẳng lưng, không cúi đầu... Nếu xem smartphone thì nên để điện thoại ngang tầm mắt. Với trẻ em cần hạn chế đeo ba lô nặng khi đi học. Việc đeo ba lô nặng thường tạo thói quen cúi đầu về phía trước khi đi.

Ngoài ra, phải thường xuyên tập luyện thể dục thể thao. Trong giờ làm việc nên dành ra vài phút để vận động giúp cột sống linh hoạt, ngăn chặn các vấn đề về lưng. Người dân cũng nên bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều canxi như trứng, sữa, hải sản… để xương luôn chắc khỏe.