1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Người phụ nữ có khả năng chữa bệnh bằng xoa bóp, bấm huyệt

“Ngày nào cũng xoa bóp, bấm huyệt mười mấy tiếng nhưng lạ kỳ là tôi luôn cảm thấy năng lượng trong người dồi dào. Nguồn động viên lớn nữa đối với tôi là người bệnh đều cảm thấy sức khỏe của họ ngày càng tốt hơn”, bà Phong nói.

Người phụ nữ có khả năng chữa bệnh bằng xoa bóp, bấm huyệt
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao tặng bà Nguyễn Thị Phong (thứ 4 từ trái sang) giải thưởng Kova
  

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, tuổi thơ của bà Nguyễn Thị Phong gặp nhiều khốn khó khi mẹ mất sớm, một tay cha bà nuôi bốn người con, bà là con út. Từ nhỏ, sức khỏe của bà Phong đã rất yếu nên các anh chị rất thương và không để bà phải làm nhiều. Đến tuổi trưởng thành, như nhiều cô gái khác, bà lấy chồng, sinh con và tiếp tục làm ruộng để nuôi các con ăn học.

 

Cuộc đời bà bắt đầu thay đổi vào năm 2000 trong một lần bà xoa bóp xương ở lưng cho chồng. Lúc ấy, bà cảm thấy cơ thể mình rất nóng. Bà xoa bóp cho một lúc thì chồng bà cảm thấy hết đau nhức trên cơ thể. Nghe chồng nói hết đau, chính bà cũng hoài nghi về khả năng của mình nên xoa bóp thử cho một số người trong xã đang bị đau nhức xương khớp. Lạ thay, những người được bà xoa bóp đều cảm thấy đỡ đau nhức ngay từ lần xoa bóp đầu tiên.

 

“Khi chính những người được tôi xoa bóp nói đỡ đau thì tôi vẫn không tin mình làm được điều đó. Tôi chỉ thấy lạ là trong người mình đang tồn tại một dòng điện vô hình nên làm việc không thấy mệt”, bà Phong nhớ lại.

 

Thông tin về việc bà Phong từ một người nông dân làm ruộng, không qua trường lớp nào mà lại có thể chữa khỏi nhiều bệnh chỉ nhờ phương pháp tự nhiên là xoa bóp, bấm huyệt lan tỏa đi nhiều nơi. Người bệnh tìm đến nhà bà ngày càng đông. Thời điểm đó, chính quyền địa phương đã cử cán bộ đến nhà bà để tìm hiểu xem có sự việc thần thánh hóa cách chữa bệnh của bà để kiếm tiền hay không,  nhưng tuyệt nhiên không thấy. Người bệnh đến nhà bà đều là những người hiểu biết, được bà tiếp đón ân cần và không thu tiền.

 

Từ cách chữa bệnh giản đơn mà hiệu quả của bà, đã có nhiều người mắc bệnh nặng ở nhiều nơi được chữa khỏi. Bảy năm, đó là quãng thời gian bà Phong liên tục chữa trị cho người bệnh tại nhà riêng. Một ngày làm việc của bà thường bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc khoảng 22h. “Ngày nào cũng xoa bóp, bấm huyệt mười mấy tiếng, nhưng lạ kỳ là tôi luôn cảm thấy năng lượng trong người dồi dào. Nguồn động viên lớn nữa đối với tôi là người bệnh đều cảm thấy sức khỏe của họ ngày càng tốt hơn”, bà Phong nói.

 

Sau nhiều năm bà Phong chữa bệnh kiểu “lang vườn” nhưng lại được người dân ở nhiều tỉnh, thành phố nhắc đến như một người có khả năng đặc biệt, ông Trần Xuân Tư, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học ứng dụng (Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) đã thông qua chính quyền địa phương, trực tiếp tới nhà bà Phong làm “người bệnh” để chứng thực khả năng của bà “lang vườn”.

 

Làm “người bệnh” của bà Phong nhiều lần, Viện trưởng Trần Xuân Tư cảm thấy phương pháp chữa bệnh của bà Phong có chiều hướng tích cực nên ông đã mời hàng chục nhà khoa học có uy tín ở Hà Nội “mổ xẻ” vấn đề này. Từ những nhận xét, đánh giá về cách chữa bệnh của bà “lang vườn” Nguyễn Thị Phong, các nhà khoa học đã báo cáo với Bộ Y tế để có thêm sự đánh giá khách quan.

 

Một thời gian sau, bà Phong được mời về Hà Nội và được gửi tới “kiểm định” tại các cơ sở có uy tín về chữa bệnh bằng phương pháp xoa bóp, bấm huyệt. Sau đợt “kiểm định” nghiêm túc, bà Phong đã được Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cấp giấy chứng nhận chuyên môn Y học cổ truyền. Người bệnh tìm đến cơ sở chữa bệnh của bà Phong ngày càng đông. Và số người được bà Phong chưa khỏi bệnh cũng tăng dần. Đến giờ, bà Phong không thể nhớ đã chữa khỏi bệnh cho bao nhiêu người. 

 

Ghi nhận những đóng góp của bà Phong trong việc chữa bệnh có hiệu quả bằng phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, năm 2007, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã trao tặng bà Nguyễn Thị Phong “Giải thưởng Kova”, giải thưởng về tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội.

 

Theo Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học ứng dụng Trần Xuân Tư, bước đầu có thể nhận xét về bà Nguyễn Thị Phong có khả năng xoa bóp dưỡng sinh phần: cơ, xương, khớp và thần kinh hiệu quả. Tuy nhiên, để có thể đánh giá đầy đủ về khả năng chữa bệnh của bà Phong, các nhà khoa học cần có thêm thời gian nghiên cứu. Nhưng bên cạnh đó phải có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng của nhà nước

 

Theo Nguyễn Hưng

Công an nhân dân