Người phụ nữ bị virus tấn công vùng kín, suy sụp vì tưởng bệnh lậu
(Dân trí) - Bác sĩ cảnh báo, nếu không điều trị kịp, người phụ nữ có nguy cơ ngưng tim và tử vong. Đáng chú ý, vì có triệu chứng ở vùng kín, bệnh nhân suy sụp khi bị các phòng khám chẩn đoán bệnh lậu.
7 ngày trước khi nhập viện, chị T.N.M. (34 tuổi, quê Bình Dương) bị nổi mụn nước ở vùng kín kèm phồng rộp, căng da, nứt nẻ. Chị đến 3 phòng khám và được chẩn đoán hàng loạt các bệnh "hiểm" như: bệnh lậu, giang mai, nấm âm đạo…
Người bệnh được đặt thuốc và uống kháng sinh nhưng không cải thiện. Thời gian sau đó, chị không thể đi đại tiền vì âm đạo đau buốt nhiều hơn, cảm giác khô da, bức bối tăng dần. Tiếp đến, chị sốt cao 40 độ C, lạnh run, khó thở, da xanh, nhợt nhạt, hai mắt thâm quầng vì đau đớn, mất ngủ… Lúc này, chị M. được gia đình đưa đến khoa Cấp cứu, một bệnh viện ở TP.HCM.
Qua thăm khám, bác sĩ khoa Cấp cứu nhận thấy, vùng âm đạo chị M. phồng rộp từ ngoài vào sâu bên trong, chảy dịch. Ngay lập tức, bệnh nhân được lấy dịch âm đạo để xét nghiệm sinh học phân tử, cho kết quả bị virus Herpes tấn công, gây bệnh mụn rộp sinh dục.
Đồng thời, kết quả xét nghiệm máu cho thấy chị M. bị toan chuyển hóa nặng (máu chứa nhiều axit hoặc tình trạng mất kiềm). Bệnh nhân được hội chẩn với chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da và khoa Nội tiết - Đái tháo đường để tìm hướng điều trị phù hợp.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, khoa Nội tiết - Đái tháo đường chia sẻ, người bệnh bị mụn rộp sinh dục trên cơ địa đái tháo đường tuýp 2. Virus herpes tấn công đến ống âm đạo, gây lở loét niêm mạc, chảy dịch mủ. Nếu không điều trị kịp, người bệnh có nguy cơ ngưng tim, tử vong do bị toan chuyển hóa nặng.
Chị M. được điều trị tích cực bằng kháng sinh phổ rộng, phối hợp bù nước điện giải, kiểm soát đường huyết tích cực bằng insulin, lau rửa vết loét vùng kín hàng ngày. Sau 5 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Chăm sóc chị M. tại bệnh viện, anh Q. cho biết, khi bị các phòng khám chẩn đoán bệnh lậu, giang mai, vợ anh rất suy sụp vì không biết lây bệnh từ đâu. Anh khẳng định, cả hai người đều sinh hoạt rất lành mạnh. Chỉ sau khi bác sĩ xác định bị mụn rộp sinh dục, bệnh nhân mới an tâm trở lại.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da cho biết, virus Herpes simplex (HSV) lây truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc dịch tiết âm đạo, tinh dịch và nước bọt.
Có 2 loại virus Herpes. Loại 1 (HSV-1 hoặc herpes miệng) thường gây lở loét, bỏng rộp xung quanh miệng, môi. Trong khi đó, loại 2 (HSV-2 hoặc herpes sinh dục) gây vết loét xung quanh bộ phận sinh dục hay trực tràng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, khoảng 67% dân số thế giới dưới 50 tuổi mắc HSV-1 ở miệng hoặc bộ phận sinh dục. Khoảng 13% những người 15-49 tuổi mắc HSV-2.
Lúc mới vào cơ thể, virus Herpes không gây ra triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nên khó nhận biết. Đến khi diễn tiến nặng, người bệnh sẽ bị lở loét bộ phận sinh dục, lan dần xuống hậu môn, nổi hạch, đau nhức toàn thân, sốt… Nếu không được theo dõi, điều trị kịp thời sẽ dẫn đến Herpes bàng quang, trực tràng, nhiễm trùng huyết, nguy hiểm tính mạng.
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Y sinh năm 2012, phụ nữ nhiễm bệnh nếu không được điều trị kịp thời, virus Herpes từ âm hộ có thể lan đến cổ tử cung, gây viêm cổ tử cung. Lâu dài, bệnh nhân có khả năng bị viêm lộ tuyến, hoặc có thể đi sâu vào trong tử cung gây viêm nhiễm và ảnh hưởng đến khả năng mang thai, sinh sản.
Để tránh virus Herpes tấn công, bác sĩ khuyến cáo người dân nên cân bằng trong sinh hoạt, tránh căng thẳng, suy nhược cơ thể dẫn đến giảm khả năng miễn dịch. Cần vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục, không thụt rửa quá mạnh hay dùng dung dịch có độ PH cao (lớn hơn 7), không dùng chung đồ dùng cá nhân… Ngoài ra, cần quan hệ tình dục an toàn (sử dụng bao cao su, chung thủy một vợ một chồng…).
Khi âm đạo bị ngứa, kích ứng, nổi mụn nước, rộp da, đi tiểu đau buốt, hoặc đau khi quan hệ tình dục… chị em nên đi khám bác sĩ khoa da liễu để tìm hiểu nguyên nhân và điều trị kịp thời. Với người bệnh đái tháo đường bị mụn rộp sinh dục, cần phối hợp với bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường để kiểm soát đường huyết, dùng kháng sinh phù hợp.