1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế:

Người nghèo đóng tiền cho nhà giàu khám bệnh

Đó là thực tế không công bằng trong khám - chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) hiện nay. Đây là một trong những nguyên nhân khiến mục tiêu 80% số người dân có thẻ BHYT và coi như đạt BHYT toàn dân sẽ rất khó vào năm 2014.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam - ông Lê Bạch Hồng - thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này trong hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Luật BHYT ngày 17/10 tại Hà Nội.

 

Tưởng công bằng mà lại không

 

Theo ông Lê Bạch Hồng, không có quy định trần chi trả bảo hiểm nên cùng một số tiền đóng thẻ BHYT là 460.000đ/năm, người dân vùng khó khăn chỉ được đi khám - chữa bệnh tại y tế cơ sở, chỉ được chi trả khoảng vài trăm nghìn đồng/lần, còn ở thành phố, số chi lên tới vài trăm triệu đồng/lần. Như thống kê của BHXH Hà Nội năm 2010, TP có 676 trường hợp thanh toán BHYT cho 1 lần chữa bệnh từ 100 - 400 triệu đồng, cá biệt có trường hợp 1 tỉ đồng.
 

Người nghèo đóng tiền cho nhà giàu khám bệnh  - 1

Mục tiêu đạt 80% dân số có thẻ BHYT năm 2014 không dễ đạt được, nếu không có sự cải thiện chất lượng dịch vụ y tế và quản lý quỹ hiệu quả. Ảnh: Giang Huy

 

Thêm một ví dụ điển hình nữa của tình trạng không công bằng. Người được hưởng lợi cao nhất từ quỹ BHYT đáng lẽ phải là người bệnh, bởi họ mới chính là người bỏ tiền ra mua thẻ. Thế nhưng nhiều trường hợp, cơ sở khám - chữa bệnh mới lãi to. Ông Hồng dẫn chứng BV Đa khoa Bình Định: 100% bệnh nhân vào khám bệnh, dù khám gì cũng đều phải chụp cộng hưởng từ trước đã. Mỗi lần như thế, BV lấy được của quỹ 2 - 3 triệu đồng. Không chỉ Bình Định, đã có nhiều cơ sở y tế bị truy tố về hành vi lập hồ sơ bệnh án khống để thanh toán BHYT.

 

Được hỗ trợ 80% cũng không muốn mua thẻ

 

Quỹ không được quản lý chặt, dẫn đến không ít trong đó bị xà xẻo, thất thoát, sử dụng không hợp lý. Đó hẳn cũng là lý do mà nếu không phải bắt buộc tham gia, không phải là diện người nghèo được hỗ trợ 100% mua thẻ, người dân tự nguyện tham gia mua thẻ ít. Và thực tế là con số đó vẫn chỉ đạt trên 10% và luôn giậm chân ở mức dưới 1 triệu người nhiều năm nay.

 

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, các hộ cận nghèo còn được hỗ trợ tới 80%. Thế nhưng cũng chỉ 13% bỏ thêm 20% mệnh giá mua lấy tấm thẻ. Bệnh nhân có thẻ BHYT vẫn phải chi trả những khoản thêm để mua thuốc, mua vật tư tiêu hao khác, phải nằm ghép 2 - 3 - 4 người/giường bệnh. Vì thế mà không ít người chỉ còn than thở rằng: “Thà mất tiền trả dịch vụ ngay từ đầu còn hơn có thẻ”.

 

Đến nay, còn khoảng 34 triệu người chưa có thẻ. Mục tiêu đạt được 80% dân số có thẻ BHYT sẽ không thể cán đích vào năm 2014 nếu bộ 3 ngành y tế - BHXH - tài chính không chinh phục được 90% số đối tượng tiềm năng nhưng cũng rất thực tế này.

 

Theo Quang Duy

Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm