Người mẹ khóc nghẹn ngoài phòng hồi sức chờ con trai vừa mổ u não
(Dân trí) - "Mẹ truyền năng lượng cho con, con phải mạnh mẽ lên, tốn bất cứ thứ gì mẹ cũng sẽ lo được" - người phụ nữ nói trong lúc xúc động khi chờ con trai ngoài phòng hồi sức, sau khi bé thực hiện ca mổ u não.
Đó là câu chuyện mà phóng viên trực tiếp chứng kiến tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU), Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM).
Người mẹ nói trên đã khóc khi chờ bé A. tỉnh lại, trong thời gian điều trị hồi sức sau khi mổ não. Từ lúc bé phẫu thuật đến khi gặp phóng viên, người phụ nữ vẫn chưa thể vào gặp con trai.
Theo lời chị Ngọc (mẹ bé A., tên đã thay đổi), trước đó con trai chị hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng thời gian gần đây, bé bắt đầu có dấu hiệu thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều liên tục, ít tham gia các hoạt động thể thao với các bạn như trước. Vì bé đang trong giai đoạn thi cử và không có dấu hiệu sức khỏe sa sút, người mẹ vẫn cho con sinh hoạt bình thường.
Hơn 2 tháng trước, bé A. bất ngờ than mệt nhiều với mẹ. Lúc này, chị Ngọc đưa con đến bệnh viện địa phương kiểm tra. Kết quả chụp chiếu chẩn đoán bé có khối u ở não.
Lúc này, chị Ngọc đưa con đến nhiều bệnh viện tại TPHCM cầu cứu. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ khám và cho biết bệnh nhi mang khối u ở tuyến yên của não, dẫn đến biến chứng đái tháo nhạt (tiểu nhiều, nước tiểu pha loãng bất thường). Bé cần phẫu thuật để xác định bản chất khối u, trước khi lên phác đồ điều trị cụ thể.
Ca mổ não cho bé được tiến hành ở khoa Ngoại Thần kinh. Hậu phẫu, bệnh nhi được chăm sóc hồi sức tại khoa ICU. Kết quả sinh thiết xác định bé bị u tế bào mầm tuyến yên và suy tuyến yên.
Bác sĩ Lê Quang Mỹ, khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, u tế bào mầm tuyến yên là loại u khá hiếm gặp, ước tính chỉ chiếm 3% trong các loại u não trẻ em và thường xuất hiện ở bé trai nhiều hơn bé gái. U tế bào mầm tuyến yên có biểu hiện đa dạng, nhưng nhìn chung thường gặp là đau đầu, nôn ói, nhìn mờ, co giật, tiểu nhiều, dậy thì sớm, tăng/sụt cân...
Theo bác sĩ Mỹ, khi bị u não, phương pháp điều trị chính vẫn là phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu có bằng chứng xác định là u tế bào mầm (thông qua việc xét nghiệm một số chất chỉ điểm trong máu, dịch não tủy) thì có thể bắt đầu liệu trình hóa xạ trị khối u mà không cần phẫu thuật. U tế bào mầm ở não có tiên lượng tốt, nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng phác đồ có thể hết bệnh, với tỷ lệ tái phát thấp.
Bác sĩ khuyến cáo, khi thấy sức khỏe con em có vấn đề, nhất là tình trạng đau đầu, nôn ói kéo dài kèm với các biểu hiện nhìn mờ, học hành sa sút, tiểu nhiều, tăng cân... phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để phát hiện bệnh và can thiệp kịp thời.