Người "mắc bệnh" nghiện hiến máu tình nguyện
(Dân trí) - Hơn 50 tuổi đời thì anh Đặng Quang Nam cũng đã có hơn 50 lần hiến máu tình nguyện để cứu người. Anh cũng nhận mình là người “mắc bệnh” nghiện hiến máu bởi không được hiến máu là anh khó chịu trong người.
“Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại”
Anh Đặng Quang Nam (sinh 1968, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) là một trong số 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc vừa được Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện vinh danh đầu tháng 6 vừa qua.
Anh Nam cho biết, lần đầu tiên anh tham gia hiến máu là vào năm 1984, lúc đó anh mới 16 tuổi.
“Lần đó, bạn tôi bị sốt xuất huyết nặng cần phải truyền máu. Tuy nhiên, thời đó nhiều người chưa hiểu về việc hiến máu, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí là sợ chết nên không dám cho máu. Lúc đó tôi là người đã xung phong được hiến máu để cứu bạn mình”, anh Nam nhớ lại.
Sau lần đó, anh Nam mới biết mình thuộc nhóm máu o và nhóm máu này có thể cho bất kỳ những ai. Và cũng chính sau lần ấy, anh càng ý thức và hiểu được giá trị lớn lao của việc hiến máu nên càng tích cực tham gia hiến máu.
Anh thường đến các bệnh viện xem có ai cần máu không để hiến hoặc khi gặp những vụ tai nạn giao thông nghiêm trong trên đường, anh cũng chạy theo họ vào bệnh viện xem họ có cần máu không.
Năm 1998, anh bắt đầu tham gia vào Hội chữ thập đỏ phường Hòa Hải để tham gia hiến máu theo định kỳ và có tổ chức hơn.
“Hồi đó, cả phường chỉ có 8 anh chị em tham gia hiến máu. Nói đến việc hiến máu, nhiều người còn sợ và e dè lắm”, anh Nam nói.
Nhắc lại những lần hiến máu cứu người, có lẽ kỷ niệm khiến anh nhớ nhất đó lần cứu ba mẹ con sản phụ cùng xóm.
Anh là một trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2019 vừa được vinh danh
“Đó là vào năm 1994. Năm đó trời bão lụt. Tôi đang trên đường đi chống bão về, đi qua nhà chị ấy thì nghe tiếng trẻ con khóc nên ghé vào. Chị này đến ngày sinh nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đi bệnh viện mà ở nhà sinh. Tuy nhiên, bà đỡ chỉ đỡ được một bé ra ngoài, bé còn lại chưa ra được khỏi bụng mẹ thì mẹ đã kiệt sức, chảy máu. Tình huống khẩn cấp nên người nhà phải đưa chị ấy đến bệnh viện gấp. Thấy vậy, tôi cũng chạy theo họ đến bệnh viện để hiến máu cứu hai mẹ con. Và thật là may mắn, nhờ được truyền máu kịp thời nên mẹ con sản phụ không nguy hiểm đến tính mạng”, anh Nam kể.
Đối với anh Nam, việc cả đêm cả hôm mưa gió bão bùng mà đi hiến máu cứu người cũng không phải là chuyện hiếm. Cũng có khi, anh và nhóm bạn ra tận ngoài Huế để hiến máu cứu một bệnh nhân bị bệnh tim cần nhóm máu o.
Bây giờ, anh ít khi tham gia hiến máu đột xuất nhưng hiến máu theo định kỳ thì năm nào anh cũng tham gia đều đặn 2- 3 lần.
“Mỗi lần hiến máu xong rất vui vì mình nghĩ giọt máu của mình sẽ cứu được ai đó. “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, thông điệp này luôn luôn trong suy nghĩ của tôi để nhắc nhở mình phải giữ gìn sức khỏe cho tốt mới có thể lấy được máu. Khi nào đến ngày hiến máu mà huyết áp tụt không lấy được máu là y như rằng hôm đó buồn cả ngày”, anh Nam bộc bạch.
Anh Nam cũng nhận mình là người “mắc bệnh” nghiện hiến máu bởi lúc nào cũng trông đến ngày hiến máu. Có khi chưa đủ thời gian để hiến đợt tiếp theo nhưng có người cần anh cũng sẵn sàng hiến.
Cha con chở nhau đi hiến máu
Anh Nam trước đây làm nghề đá ở làng đá mỹ nghệ Non Nước. Sau khi nghỉ nghề làm đá, anh về phụ vợ buôn bán nhỏ. Dù bận rộn với công việc gì nhưng việc hiến máu để cứu người anh luôn được anh ưu tiên hàng đầu.
Không chỉ tích cực tham gia hiến máu, anh Nam còn vận động vợ con, anh em, họ hàng cùng tham gia hiến máu.
Mấy năm nay, sức khỏe không có phép nên vợ anh không còn tham gia còn con trai anh vẫn tiếp tục cùng cha tham gia hiến máu.
Theo anh Nam, tính sơ bộ, trong họ nhà anh, có gần 20 người tham gia hiến máu đều là những người do anh “xúi giục”.
Bố con anh Nam chia sẻ những kỷ niệm, niềm vui về những lần hiến máu cứu người
Bạn Đặng Quang Phương (sinh 1989, con trai anh Nam) chia sẻ, người truyền cảm hứng cho bạn ấy tham gia hiến máu chính là bố mình. Những câu chuyện của bố kể cho cả nhà nghe sau mỗi lần hiến máu về đã giúp Phương sớm nhận thức được ý nghĩa của việc hiến máu cứu người. Vì thế, ngay từ nhỏ Phương đã rất muốn tham gia hiến máu. Đến khi đủ tuổi, Phương bắt đầu tham gia hiến máu luôn.
“Lần đầu tiên đi hiến máu là ba chở em đi. Cũng vì là lần đầu tiên nên có chút lo lắng nhưng những lần sau quen rồi thì không còn lo lắng nữa. Tuy nhiên, cảm giác vui trong lòng sau mỗi lần hiến máu vì giọt máu của mình sẽ giúp được ai đó thì đến bây giờ vẫn thế”, Phương chia sẻ.
Tính đến nay, Phương cũng đã có 20 lần tham gia hiến máu và hiện Phương vẫn hiến máu đều đặn 2 – 3 lần/năm.
Những lúc hiến máu cùng chỗ, hai cha con anh Nam lại chở nhau đi như những ngày đầu.
Chúng tôi hỏi anh Nam tính hiến máu đến bao giờ? Anh cười bảo: “Hiến đến khi nào bác sĩ bảo máu của tôi không lấy được nữa thì thôi”. Chúng tôi nhìn về phía Phương, như hiểu ý câu hỏi của chúng tôi sắp hỏi, Phương đáp lại ngay: “Em cũng như ba mình vậy thôi”.
Khánh Hồng