Người đầu tiên trên thế giới được ghép hộp sọ và cấy da đầu

Liên tiếp trong hai ngày 8 và 9/6 vừa qua, Tổ chức Hội những kỷ lục thế giới (World Records Academy- WRA), trụ sở tại Mỹ đã chính thức tôn vinh hai kỷ lục thế giới mới trong lĩnh vực y học. Theo WRA, đây là những thành tựu sáng chói trong lĩnh vực y học của nhân loại những năm đầu thế kỷ 21.

Người đầu tiên trên thế giới được ghép hộp sọ và cấy da đầu

Kỷ lục Guinness cho nội dung người đầu tiên được ghép hộp sọ và cấy da đầu thuộc về ông James Boysen (kỹ sư phần mềm, 55 tuổi), bệnh nhân bị ung thư người Mỹ. Boysen được cấy ghép hộp sọ cùng lúc với thận và tụy tại Bệnh viện Houston Methodist (Mỹ) hôm 22/5/2015, ca phẫu thuật kéo dài 15 giờ đồng hồ.

Theo Trung tâm Điều trị ung thư MD Anderson (Mỹ), ca đại phẫu thuật có một không hai này được chuẩn bị trong vòng hơn hai năm, huy động trên 50 chuyên gia y tế thuộc nhiều lĩnh vực như vi phẫu, thần kinh và chỉnh hình. Các bác sĩ phải tiến hành cấy ghép nhiều bộ phận cùng lúc, sử dụng nội tạng cùng một người hiến để hạn chế đào thải.

Trong ca phẫu thuật này, Boysen đã được ghép nắp hộp sọ kích thước 25,4 x 25,4cm và da đầu rộng 15-inch (trên 38cm) kéo từ trán kéo lên đỉnh đầu, trùm về phía sau cách tai khoảng 2,5cm. Theo BS. Michael Klebuc - Trưởng nhóm phẫu thuật, đây là ca phẫu thuật “cực kỳ nan giải và phức tạp” bởi các khâu cấy ghép, nhất là mô phải thực hiện dưới dạng vi phẫu thuật. Ví dụ như nối mạch máu, kích thước chỉ có 1/16 inch (1 inch = 2,54cm) dưới kính hiển vi, dùng chỉ khâu cực nhỏ, chỉ bằng 1/2 đường kính của một sợi tóc, công việc rất tỉ mỉ giống như chế tạo một chiếc đồng hồ đeo tay. Sau khi cấy ghép hộp sọ và da đầu xong mới tiến hành cấy ghép thận và tuyến tụy.

James Boysen được chẩn đoán mắc bệnh Sarcoma mô mềm (leiomyosarcoma), dạng ung thư hiếm gặp, tấn công cơ trơn, da đầu cách đây 9 năm, đã từng qua điều trị phẫu thuật và xạ trị thành công nhưng để lại một vết thương lớn trên da đầu và hộp sọ. Ngoài ra, Boysen còn mắc bệnh tiểu đường typ 1 từ khi mới 5 tuổi, từng cấy ghép thận và tuyến tụy, nhưng không hợp cách nên bị đào thải. Tất cả những vật liệu cây ghép lần này đều từ một người hiến tặng nên hạn chế nguy cơ chống thải ghép. Theo các bác sĩ thì họ không muốn phẫu thuật nhưng xét thấy Boysen được cấy ghép cả tụy lẫn thận cùng một lúc thì rủi ro đào thải sẽ không diễn ra và không ảnh hưởng đến hộp sọ và da đầu.

Sarcoma mô mềm, ung thư (ác tính) có nguồn gốc trong các mô mềm của cơ thể. Mô mềm kết nối, hỗ trợ và bao quanh cấu trúc cơ thể. Các mô mềm bao gồm: cơ, mỡ, mạch máu, dây thần kinh, gân và lớp lót khuỷu khớp xương. Đây là căn bệnh không phổ biến, tỷ lệ mắc bệnh thấp. Các triệu chứng thường gặp như sưng, đau nếu ép dây thần kinh hay cơ bắp, gây tắc dạ dày hoặc ruột hoặc xuất huyết tiêu hóa, nếu khối u nằm ở vùng bụng hoặc đường tiêu hóa. 60% xuất hiện trên cánh tay, chân, bàn tay hoặc bàn chân, 20% ở ngực và bụng và khoảng 10% diễn ra ở đầu và cổ.

Nguyên nhân gây bệnh là do khiếm khuyết miễn dịch, do virut herpes 8 (HHV8), do di truyền, mắc các hội chứng như hội chứng Nevus tế bào, Li-Fraumeni, Gardner và hội chứng Werner (khuyết tật trong gen RECQL2), kế thừa retinoblastoma, hay mắc bệnh Neurofibromatosis...

Theo Nguyễn Nam

Sức khỏe & Đời sống